Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Thứ ba, 14/11/2023 08:45
(ThanhtraVietNam) - Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập nhằm giảm thiểu cháy nổ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, các bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC và CNCH.

Công tác phòng cháy, chữa cháy còn tồn tại hạn chế, khó khăn, bất cập

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 03/01/2023, Công điện 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023, Công điện 825/CĐ-TTg ngày 25/9/2023 về công tác PCCC, các bộ, ngành và UBND các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức, kiến thức về PCCC của người dân ngày càng được nâng lên, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác PCCC và CNCH còn tồn tại hạn chế, thiếu sót và khó khăn, bất cập. Tình hình cháy, nổ mặc dù đã được kiềm giảm nhưng cháy, nổ tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. 

Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC mà còn chủ quan, coi nhẹ. Tại nhiều địa phương, nhất là ở đô thị lớn, các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý của nhà nước. Một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là trang bị cá nhân để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ chữa cháy còn rất hạn chế.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh internet) 

Vai trò, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là chỉ thị và các công điện nêu trên của Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự được quan tâm, quyết liệt, còn một số nhiệm vụ chậm triển khai, chưa bảo đảm tiến độ.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế; thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ.

Đáng nói, một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý, nhất là quản lý đối với hoạt động xây dựng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao…

Theo thống kê của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 - 15/10/2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó có 1.616 vụ cháy, 311 vụ sự cố cháy), làm chết 134 người, làm bị thương 101 người, về tài sản ước tính thiệt hại 229,75 tỷ đồng và 207 ha rừng. Xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 05 người, bị thương 18 người. So với 10 tháng đầu năm 2022, số vụ cháy và sự cố cháy giảm 1.367 vụ. Thành thị là nơi có số vụ cháy chiếm 66,2%; nông thôn số vụ chiếm 38,2%.

Bộ Xây dựng hoàn thành thanh tra toàn diện đối với nhà ở riêng lẻ

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong thời gian tới, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Trong đó, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan chuyên môn về xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở tập trung đông người. Hoàn thành thanh tra toàn diện đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng trong quản lý về trật tự xây dựng.

Bộ Công Thương quản lý, hướng dẫn kiểm tra, xử phạt vi phạm trong sử dụng điện, cải tạo, nâng công suất của hệ thống điện tại cơ sở, hộ gia đình. Trong thời gian chờ Luật sửa đổi bổ sung Luật Điện lực ban hành, cần phải có giải pháp trước mắt để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do hệ thống, thiết bị điện. Chỉ đạo Sở Công Thương, ngành điện thực hiện nghiêm túc việc rà soát, kiểm tra, phát hiện các công trình, cơ sở, hộ gia đình không bảo đảm an toàn trong sử dụng điện để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực hiện việc tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời với các sự cố cháy, nổ; chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn đến các thuê bao di động để tuyên truyền, khuyến cáo về biện pháp PCCC và các kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ…

Riêng Bộ Công an, cùng với việc rà soát, sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cần rà soát, kiểm tra, phân loại các cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC không đáp ứng yêu cầu, chất lượng trong công tác tư vấn thiết kế, thi công, kiểm tra, kiểm định phương tiện PCCC tại địa phương.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC; phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại để chỉ đạo các sở, ngành đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục, bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC cơ sở thuộc Điều 63a Luật PCCC trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các sở, ngành, UBND các cấp; siết chặt, chấn chỉnh việc quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, PCCC, nhất là tại cấp huyện, cấp xã; kiểm điểm xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm, không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND cấp tỉnh.

Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Tính đến 30/10/2023, còn 22.604 cơ sở hiện hữu (trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát, chiếm 1,91%) đã đưa vào hoạt động còn tồn tại khó khăn, vướng mắc đã khắc phục tồn tại, vi phạm về PCCC.

Thực hiện Công điện số 825/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao… Kết quả: (1) Đối với nhà chung cư, đã kiểm tra 3.732/3.732 luợt cơ sở, phát hiện được 6.986 hành vi vi phạm, xử phạt 228 trường hợp, số tiền phạt 1,8 tỷ đồng; (2) Đối với nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, đã kiểm tra 192.860/192.860 lượt cơ sở, phát hiện được 8.799 hành vi vi phạm, xử phạt 8.799 trường hợp, số tiền phạt hơn 17,8 tỷ đồng. 


Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra