Thanh tra toàn diện TikTok: Cơ hội để dọn “rác” trên không gian mạng

Thứ ba, 30/05/2023 09:26
(ThanhtraVietNam) – Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang về pháp lý, PGS. TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo Dục, ĐHQGHN) cho rằng, để dọn sạch “rác” trên TikTok, cơ chế phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành liên quan cũng cần được chú trọng hơn nữa.

Tuy mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây, nhưng mạng xã hội TikTok đã thực sự bùng nổ ở nước ta. Việt Nam hiện đang xếp thứ 6/10 quốc gia có số lượng người dùng TikTok cao nhất thế giới. Mạng xã hội này thực sự đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho những người làm sáng tạo nội dung. Bên cạnh những mặt tích cực thì cũng còn không ít vấn đề đặt ta với công tác quản lý.

Nội dung “rác” tràn lan trên TikTok

Trong thời gian gần đây, những thông tin “rác”, nội dung có tính chất độc hại xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng mạng xã hội này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống, hành vi của người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

Không khó để bắt gặp những video có nội dung lệch chuẩn, vi phạm về thuần phong mỹ tục. Nói đến hiện tượng này, người ta thường nhắc nhiều đến kênh TikTok “Nờ Ô Nô” đã có những hành vi xúc phạm, miệt thị người nghèo; cô đồng Trương Hương “đúng nhận, sai cãi” với nhiều hành vi truyền bá mê tín dị đoan; hay video bốn người phụ nữ nhảy phản cảm ở chùa Bồ Đề... Thậm chí, không ít nội dung độc hại đã tạo thành trend (trào lưu) gây ảnh hưởng đến người sử dụng.

leftcenterrightdel
  TikToker Nờ Ô Nô và video “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó” gây bức xúc dư luận. Nguồn: Internet

Nhận xét về thực trạng của vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) cho biết:

"Hiện nay, không riêng gì TikTok mà bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về thông tin sai lệch, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi được lan truyền. Thời gian qua, mạng xã hội TikTok đang nổi lên với giới trẻ. Tuy đã quy định rõ về độ tuổi của người dùng phải từ 13 tuổi trở lên, nhưng trên thực tế, rất nhiều trẻ em ở dưới độ tuổi ấy cũng đã sử dụng mạng xã hội này. Thậm chí, nhóm tuổi trong khoảng từ 9-14 tuổi được thống kê là nhóm sử dụng TikTok nhiều nhất.

Cũng trên nền tảng này, người dùng có thể thoải mái sáng tạo nội dung. Ngoài những nội dung thông tin hữu ích, giải trí, cũng có không ít những nội dung thông tin sai lệch, xấu độc, phản cảm,... gây ảnh hưởng tới người dùng, ảnh hưởng tới giới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh”.

PGS. TS Trần Thành Nam cũng khẳng định: “Không chỉ giới trẻ mà cả những người có trình độ học vấn cao cũng có thể rơi vào “cái bẫy” của những chiêu trò lừa đảo trên mạng. Với giới trẻ, những clip lan truyền với nhiều nội dung không chuẩn mực, tạo sự kịch tính sẽ làm cho bộ phận này nhận thức sai lệch về cuộc đời; và khi trẻ nhỏ không có thông tin chính thống để tiếp cận sẽ bị ảnh hưởng”.

Lý giải về sự ảnh hưởng của nội dung “rác”, thông tin độc hại được lan truyền tràn lan, gây ảnh hưởng đến người sử dụng thì có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, phải kể đến tình trạng “bội thực” thông tin. Nếu như trước đây, thông tin còn ít, khiến mọi người tiếp nhận thông tin có thể vừa đọc, vừa xem, vừa suy ngẫm và đưa ra ý kiến phản biện của mình. Thì giờ đây, trong thời đại bùng nổ thông tin, mọi người chỉ có vài giây để xử lý khối lượng tin tức đồ sộ. Điều này khiến cho con người dễ bị thao túng, dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch hơn.

Trong khi đó, những người làm công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội lại có áp lực phải cập nhật thông tin nhanh nhất. Vì phải nhanh nên họ càng ít tư duy, ít kiểm tra, đối chiếu các nguồn để xác thực. Nhiều khi, họ nghe một tin đồn và họ lan truyền; hoặc chỉ đưa một phần nội dung của câu chuyện làm cho người tiếp nhận không thể nhìn thấy được đầy đủ bản chất của sự việc... Theo cơ chế "tam sao thất bản", họ lại thêm thắt các tình tiết để thông tin của mình khác đi, điều đó khiến thông tin càng sai lệch và lan rộng.

“Ở các nền tảng khác cũng có tình trạng này, nhưng nền tảng TikTok có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng, cho phép các loại video có nội dung ngắn, lại có công cụ chỉnh sửa dễ dàng, miễn phí... Nhiều người nhờ đó mà dựng thông tin một cách đầy kịch tính, không đúng đắn”, ông Nam nhấn mạnh.

Nói về những thông tin độc hại xuất hiện trên TikTok thời gian gần đây, đại diện của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã nêu ra 06 vi phạm của nền tảng này tại Việt Nam, cụ thể là:

Thứ nhất, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em;

Thứ hai, TikTok đã sử dụng thuật toán “gây nghiện” – thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) do chính TikTok phát triển, đã phát tán đến người dùng những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ;

Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…;

Thứ tư, do không quản lý hoạt động của các Idol TikTok, đã dẫn đến xu hướng các TikToker sản xuất tràn lan những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này;

Thứ năm, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền;

Thứ sáu, TikTok không có biện pháp quản lý người dùng, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.

Mạnh tay hơn nữa để dọn sạch “rác” trên TikTok

Trước thực trạng ấy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra thông báo về việc tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của nền tảng TikTok ở Việt Nam trong tháng 05/2023. Đợt thanh tra này nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Trao đổi với Tạp chí Thanh tra, PGS. TS Trần Thành Nam khẳng định việc thanh tra TikTok của Bộ Thông tin và Truyền thông là vô cùng cần thiết. 

leftcenterrightdel
 PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) chia sẻ quan điểm về kế hoạch thanh tra toàn diện TikTok. Nguồn: Internet

Hiện nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng đã ban hành lệnh cấm tạm thời và cấm hoàn toàn TikTok. Trong đó, có thể kể đến như Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp, Na Uy, Bỉ, một số tổ chức của châu Âu...

Còn ở Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để quản lý và kiểm soát các thông tin trên không gian mạng, trong đó có thể kể đến như Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội,... nhưng vẫn cần phải mạnh tay hơn nữa để dọn sạch “rác” trên mạng xã hội, đặc biệt là trên nền tảng TikTok, tránh cho những nội dung xấu, độc ấy có thể quay trở lại dưới những hình thức khác nhau.

Bên cạnh việc hoàn thiện về hành lang pháp lý, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, để dọn sạch “rác” trên TikTok, cơ chế phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành liên quan cũng cần được chú trọng hơn nữa.

“Theo quan điểm của tôi, nếu bây giờ chúng ta cứ chỉ hậu kiểm thì không thể nào bảo vệ cộng đồng. Bởi những nội dung khi đó là những nội dung được dư luận chú ý đến, lên tiếng về những sai phạm thì mới xóa tài khoản, gỡ xuống. Trong khi đó, đến lúc phát hiện sai phạm thì đã có biết bao nhiêu ngàn người xem, rất nhiều người đã sao lưu vào máy của họ rồi. Vì thế, chúng ta cần có một chế độ tiền kiểm chứ không thể cứ hậu kiểm, mà tiền kiểm phải chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại tiêu cực của mạng xã hội này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm trang bị bộ kỹ năng số cho các em từ sớm; Bộ Công an phải phát hiện, xử lý tất cả hành vi nguy cơ, những trào lưu phản cảm, xấu, độc, ảnh hưởng đến giới trẻ; Bộ Thông tin và Truyền thông thì phát triển các sản phẩm công nghệ, điều phối tất cả hoạt động này".

Trong phát biểu trước đó, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông Tin và Truyền thông) cho biết: TikTok, Facebook, YouTube,... đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc quản lý về nội dung và các nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo… Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, nếu phát hiện sai phạm thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý nghiêm, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.

Như vậy, thông tin về đợt thanh tra toàn diện TikTok này của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực của dư luận. Mọi người đều có những kỳ vọng về một không gian mạng sạch “rác”, văn minh.

Tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 27/5, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết: “Thông điệp của chúng tôi là không gian mạng cũng như đời thật, phải chịu trách nhiệm thật. Nếu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam. Nếu TikTok không hợp tác với Chính phủ, với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông thì chắc chắn nền tảng này sẽ bị cấm”.

Như vậy, nếu hợp tác và tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, TikTok vẫn sẽ là một nền tảng mạng xã hội được hoạt động ở nước ta.


Kim Minh Châu

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra