Thành phố Hồ Chí Minh:

Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù

Thứ sáu, 19/05/2023 06:53
(ThanhtraVietNam) - UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPCHM. Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi chủ trì họp báo.

Họp báo diễn ra trong thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về mặt nguyên tắc là sẽ đưa dự thảo Nghị quyết vào Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra trong những ngày tới.

Tính cấp thiết của Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, hiện nay TPHCM đang khẩn trương phối hợp với Bộ KH-ĐT, các bộ ngành Trung ương để chuẩn bị. Đến sáng nay (18/5), TPHCM đã hoàn thiện và gửi bộ hồ sơ cho Quốc hội.

Nói về tính cấp thiết của Nghị quyết mới đối với sự phát triển của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TPHCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.

Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TPHCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời, có 2 năm TPHCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế TPHCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.

Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: UBND.TPHCM)

Tạo cho TP những động lực lớn hơn, mạnh hơn

Tại họp báo, nhấn mạnh đến sự cần thiết của NQ mới thay thế NQ54, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, NQ54 đã thực hiện được 5 năm. Đến cuối năm 2022, TP đã tổng kết báo cáo Quốc hội đề nghị NQ mới thay NQ54. Tuy nhiên, do chuẩn bị NQ mới chưa được đầy đủ nên Quốc hội cho kéo dài NQ54 đến hết 2023; trong đó, Quốc hội cũng gợi ý TP cùng Chính phủ  chuẩn bị NQ mới trình Quốc hội.

Với đặc thù của TPHCM, khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực, những mảng chưa thể bao quát, chi phối được hết thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi phải có một khung pháp lý phù hợp để vừa tháo gỡ những vướng mắc, vừa tạo ra những không gian mới để phát triển.

TP đánh giá NQ mới khi ban hành sẽ khắc phục được những hạn chế NQ54 hiện hữu, giúp TP tháo gỡ nhiều hơn các khó khăn, tạo cho TP những động lực lớn hơn, mạnh hơn để phát triển, thúc đẩy đầu tàu kinh tế.

Nội dung cơ bản của dự thảo của Nghị quyết

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng nêu rõ, Nghị quyết mới lần này có 43 nội dung với 4 nhóm cơ chế, chính sách.

Nhóm 1: là các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các cơ chế, chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung như: HĐND TP quyết định dự toán ngân sách TP; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay,…

Nhóm 2: là các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; …

Nhóm 3: là các cơ chế, chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND TP được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho TP.

Các CCCS này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai. Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở,… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.

Nhóm 4: là các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định tại NQ 54/2017/QH14, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết tạo điều kiện để Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư Công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC); cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Đặc biệt, NQ54 tập trung các cơ chế chính sách tạo nguồn thu, tuy nhiên với NQ mới sẽ tập trung nhiều hơn cho các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cũng như ưu đãi nhà đầu tư chiến lược.

“43 nội dung cơ chế chính sách ở 4 nhóm được kỳ vọng sẽ giúp TP tháo gỡ rất lớn những vướng mắc về mặt thể chế, tạo động lực cho TP phát triển; sẽ huy động nguồn lực xã hội ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển; phân cấp, phân quyền cho TP kịp thời, chủ động hơn trong giải quyết các thủ tục, đặc biệt tháo gỡ cho Thành phố Thủ Đức”, ông Phan Văn Mãi nói.

Có hình thức khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ, công chức

Tại cuộc họp báo, ông Phan Văn Mãi cũng dành nhiều thời gian nói về vấn đề cán bộ, tâm thế của công chức viên chức khi thực hiện Nghị quyết 54 mới. Hiện nay, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của TP cũng như cả nước còn tâm lý e dè, ngại trách nhiệm nhưng không phải là tất cả. Ông cho biết thêm, đối với bộ phận này, Thành ủy đã có các biện pháp khích lệ, động viên; chính quyền cũng động viên, nhắc nhở, phê bình và có cả biện pháp hành chính.

“UBND TPHCM đã rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức, viên chức, giao việc cụ thể, kiểm tra, đánh giá gắn với khích lệ bằng tăng thu nhập. Tôi tin rằng trước những thách thức lớn, chúng ta sẽ nỗ lực để phấn đấu vượt qua, từ đó cùng chung tay đưa thành phố phát triển.

Đông đảo cán bộ, công viên chức và người dân TPHCM vẫn đang trong tâm thế đó. Với những cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, có biện pháp hỗ trợ để thay đổi hoặc buộc phải bước ra khỏi hệ thống", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

TPHCM đã chủ động chuẩn bị đội ngũ, điều kiện để thực thi NQ mới

NQ mới lần này nếu được thông qua, Quốc hội yêu cầu TPHCM phải quan tâm, tập trung xây dựng năng lực thực thi. Chứ không chỉ sau khi phân cấp về cho TP thì HĐND TP ra Nghị quyết là xong. HĐND, UBND các cấp của TP, các sở, ban, ngành phải hết sức tập trung, củng cố xây dựng đội ngũ để đủ sức cụ thể hóa, đủ sức tổ chức thực hiện khi Nghị quyết được thông qua. Với kinh nghiệm triển khai Nghị quyết số 54 trong hơn 5 năm qua, những bài học rút ra từ khi tổng kết sau 5 năm thì việc chuẩn bị đội ngũ, điều kiện tâm thế để triển khai Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 khi được ban hành là rất quan trọng.

“Đến giờ, TP đã chủ động phân công lần đầu cho các cơ quan chuẩn bị cụ thể hóa các nội dung cơ chế chính sách để trình HĐND tại kỳ họp giữa kỳ vào tháng 7 và dự kiến kỳ họp chuyên đề vào tháng 9, tháng 12 năm nay. Dự kiến trình HĐND khoảng 28 nội dung, và hiện có 8 nội dung cụ thể hóa NQ mới”. ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ, với tinh thần TP sẽ củng cố đội ngũ bộ máy, tinh thần, tâm thế và chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục trong năm 2023 để cơ bản cụ thể hóa, và 4 năm còn lại là tổ chức thực hiện nếu Nghị quyết mới được thông qua. Đây là mong muốn, còn lại thực tế chắc chắn sẽ có những phát sinh, TP sẽ có những điều chỉnh thích ứng để thực hiện Nghị quyết mới đạt hiệu quả cao nhất.

TP cần sự đồng thuận từ Trung ương và nội lực để phát triển vượt trội

“Chúng tôi rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành, Trung ương để tiếp tục hướng dẫn TP thực hiện. Quá trình thực hiện sẽ có những phát sinh, chúng tôi sẽ luôn có những trao đổi chuyên môn với các cơ quan để đảm bảo sự thống nhất về mặt quản lý của ngành, cũng như hướng dẫn của các đơn vị”, Chủ tịch UBND TP chia sẻ.

Liên quan đến cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, Chủ tịch UBND TP cho biết, UBND đã phân công các Sở, ngành nghiên cứu một số nội dung cần phải trình sớm, hoàn thiện các đề án, kế hoạch. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, các Sở, ngành của TP cần nỗ lực, phối hợp đồng bộ hơn để giải quyết vấn đề. UBND cũng tiếp tục rà soát các quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành để đưa ra một số quy định cụ thể như “trách nhiệm của người chủ trì”, “cách thức, thời gian thực hiện”,…

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra