Thoát khỏi lừa đảo trực tuyến bằng cách nào?

Thứ ba, 14/05/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Ngày nay, kinh tế thế giới ngày càng phát triển với xu hướng thanh toán các giao dịch qua mạng ngày càng nhiều; từ cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức đều áp dụng hình thức thanh toán này bởi sự nhanh, gọn, tiện lợi, đa dạng. Việt Nam là một trong các quốc gia bắt kịp với xu thế thanh toán số rất nhanh.

“Thành phố Sáng tạo” phía Tây Hà Nội

Định lượng chi phí kinh tế và tài chính của tham nhũng

Kiến nghị xử lý trách nhiệm liên quan sai phạm Dự án của Công ty Cổ phần ĐTXDPT Đông Đô 1 – Bộ Quốc phòng

Cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát

“Ì ạch” giải quyết thủ tục hành chính, nhiều cán bộ phải kiểm điểm

Hoạt động thanh toán và nhận thanh toán là các giao dịch thường xuyên trong đời sống kinh doanh và xã hội hàng ngày hiện nay. Tuy nhiên, song song với đó Việt Nam đang trở thành một trong các địa bàn hoạt động của tội phạm công nghệ cao với nguy cơ lây nhiễm virut, mã độc và lừa đảo trực tuyến tăng mạnh, nhất là trong những năm gần đây.

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng. Do đó, doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng đều cần công cụ để tự bảo vệ mình trước những hình thức gian lận mới của thanh toán số trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Lừa đảo trực tuyến, tấn công mạng ngày càng nguy hiểm với nhiều hình thức tinh vi đang diễn ra trên không gian mạng tại Việt Nam, như: Giả mạo biên lai chuyển khoản thành công; dịch vụ combo du lịch giá rẻ; giả mạo nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu tại bệnh viện; tuyển người mẫu nhí, thông báo “khóa sim” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; đánh cắp tài khoản mạng xã hội nhắn tin lừa đảo; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa…

leftcenterrightdel
 (Ảnh minh họa, nguồn: antv.gov.vn)

Qua thời gian, số văn bản pháp luật điều chỉnh đối với các giao dịch điện tử tăng lên, các cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Cục An toàn thông tin, Ngân hàng, UBND các cấp… liên tiếp tuyên truyền, cảnh báo nhưng trên thực tế số vụ lừa đảo không những không giảm mà ngày càng gia tăng.
Cùng với đó, nạn nhân các đối tượng thực hiện lừa đảo ở nhiều ngành nghề, giới tính, độ tuổi khác nhau, với số tiền bị lừa của nạn nhân trong vụ việc ngày càng lớn, một số vụ việc, như: Bà G.T.N ở tại TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển cho đối tượng lừa đảo gần 300 triệu đồng bằng thủ đoạn tặng quà từ nước ngoài xảy ra năm 2022; chị H.T.H, 40 tuổi, trú tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn bị một người nước ngoài làm quen qua mạng xã hội, lừa đảo chiếm đoạt gần 900 triệu đồng vào năm 2020. Mới đầu năm 2024, Chị H.T.S trú phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai tố giác các đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt của chị số tiền hơn 18 tỷ đồng. Cụ bà 68 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ cho đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ công an… Và gần đây nhất tội phạm công nghệ đã lừa lấy được của Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là bà N.T.H.G hơn 100 tỷ đồng… 

Đây là chỉ tính các vụ công khai, được nạn nhân trình báo, còn rất nhiều vụ việc nạn nhân vì che giấu gia đình, vì sĩ diện… khi biết bị lừa đảo đã không dám trình báo cơ quan công an. Dù chiêu thức lừa đảo không mới, đã được các cơ quan chức năng từng cảnh báo và báo chí đã đăng nhiều lần, người dân không phân biệt giàu - nghèo, người có trình độ cao - thấp hay chức vụ cao, đều bị mắc bẫy lừa đảo, xuất phát tập trung từ các nguyên nhân: Lòng tham, sự kém hiểu biết, cả tin hoặc tâm lý kém, hay sợ hãi… Bên cạnh đó, có không ít vụ việc do nạn nhân tỉnh táo, hoặc được hỗ trợ khi trình báo ngay trước khi mở tài khoản hoặc trước khi chuyển tiền theo yêu cầu của bọn lừa đảo nên đã không bị lừa tiền.

Tình trạng tội phạm công nghệ cao hoành hành đã gây hoang mang trong dư luận, gây xáo trộn đời sống xã hội nghiêm trọng. Nhiều vụ việc rất thương tâm, nạn nhân bị lừa nhiều người vì sợ hãi bị tù tội đã đi vay mượn khắp nơi và lâm vào cảnh cùng quẫn, thậm chí lựa chọn cái chết để mong giải thoát khỏi gánh nợ khủng khiếp, không có khả năng chi trả; nhiều gia đình tan nát, chia ly, trẻ thơ bơ vơ không nơi nương tựa...

Liên quan đến việc điều chỉnh các hiện tượng xã hội này, thực tế pháp luật Việt Nam rất quan tâm và chú trọng bằng việc ban hành hệ thống các văn bản pháp luật. Đối với nhóm quan hệ pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước liên quan đến dữ liệu có các văn bản, như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử.

Đối với nhóm quan hệ pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, xoay quanh quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ an toàn, an ninh mạng thông qua cơ chế bảo vệ an toàn dữ liệu dân cư và dữ liệu cá nhân có các văn bản, như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng, Nghị định số 25/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/4/2014 về quy định phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao...

Đối với nhóm quan hệ pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền riêng tư và quyền đối với dữ liệu cá nhân có các văn bản, như: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/9/2021 về thương mại điện tử sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Có hệ thống pháp luật điều chỉnh nhưng trên thực tế loại tội phạm công nghệ cao ngày càng phát triển với độ phủ sóng rộng, quy mô lớn, mức độ lừa đảo nguy hiểm, tinh vi cao, do đó rất nhiều cá nhân/tổ chức đã bị thiệt hại nặng nề mà không phải vụ việc nào cơ quan công an cũng lần ra được đầu mối. Trước tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung thông tin tuyên truyền và giáo dục người dùng trên các nền tảng, nhất là truyền hình, mạng xã hội về vấn đề bảo vệ các dữ liệu cá nhân, cùng với đó tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và an ninh an toàn thông tin mạng.

Đặc biệt, để tránh rơi vào cạm bẫy lừa đảo của các đối tượng này, người dùng phải tự trang bị cho mình kiến thức, cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình, đảm bảo mật khẩu tài khoản không bị tiết lộ, không cung cấp mã OTP cho người khác biết, không đăng nhập vào đường link lạ, không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ... Tham gia mạng xã hội, sử dụng các phương tiện công nghệ, người dùng luôn cần tỉnh táo, cảnh giác, ứng xử hiểu biết, không cách gì khác là “tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”!

Trang Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra