Công điện số 44/CĐ-TTg:

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Thứ bảy, 04/05/2024 14:14
(ThanhtraVietNam) - Các địa phương thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Cần có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Sau sự việc ngộ độc thực phẩm tập thể do người dân mua bánh mì tại một tiệm tiệm bánh mì tại tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Trong Công điện gửi các Bộ trưởng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, trong thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều, riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Gần đây, trên phạm vi cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4 /2024 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị, tiếp tục gây lo ngại trong Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố....

Bộ Y tế thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì đang được điều trị tại Đồng Nai. Ảnh: ITN

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Để phòng ngừa, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân..

- Trước đó, vào ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng trên đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã bán hơn 1.100 ổ bánh mỳ. Sau khi ăn bánh mỳ, nhiều người nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng...

Các bệnh nhân có điểm chung là trước đó có ăn bánh mì thịt mua tại cơ sở bánh mì Băng trong khoảng thời gian chiều tối 30.4. Sau khi ăn, các bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như trên, sau khi mua thuốc uống không hết nên đã nhập viện điều trị.

- Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến 7 giờ ngày 3/5, các bệnh viện tại TP. Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 321 ca, xuất viện 19 ca, chuyển viện 11 ca, điều trị tại nhà 96 ca.

Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều ổn định. Hiện bệnh viện đang tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân vào viện.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận chữa trị 22 ca, trong đó có 9 trẻ em và không có ca nặng.

Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang chữa trị cho 12 bé bị ngộ độc. Trong đó, có 5 ca bệnh nặng.

Cụ thể, 2 ca đang phải lọc máu, thở máy là bé trai T.G.H. (6 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TP. Long Khánh). Bé H. ăn bánh mì vào tối 30-4, đến ngày 1/5 thì nôn ói, tiêu lỏng. 

  
Hồng Dân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra