Long An:

Thực hiện hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ ba, 19/03/2024 10:42
(ThanhtraVietNam) - Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả nguồn lực, tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm

UBND tỉnh Long An vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024 là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực.

Nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình hành động thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được thông qua, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 8 - 8,5 %, GRDP bình quân đầu nguời đạt 105 - 110 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với năm 2023; Tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách cao hơn năm 2023.

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được đề ra; khắc phục các hạn chế trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 và Nghị quyết số 53/NQ-CP; tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, kiến nghị, giải pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ và yêu cầu của các nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu THTK, CLP theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; hạn chế việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.

leftcenterrightdel
 Quản lý hiệu quả nguồn lực, tài sản công để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: minh họa/internet

Tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tăng cường hội nhập, hợp tác để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phá của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tăng cường công tác nắm tình hình tại cơ sở, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, chương trình đột phá và các dự án quan trọng, giám sát việc giải ngân đầu tư các dự án lớn, dự án FDI. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất theo điều kiện thực tế.

Đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Tổ chức thực hiện xử lý theo đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật, trong đó lưu ý một số nội dung: Xử lý dứt điểm trình trạng sử dụng chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…).

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đúng pháp luật thị trường đất đai

Đặc biệt, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công, quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thẩm định giá và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công khi xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, xác định giá bán khi thực hiện phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Thực hiện tốt công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đo đạc địa chính, hoàn thành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tổ chức thực hiện đúng quy định. Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các quy định, hướng dẫn trình tự về quản lý, sử dụng đất, nhất là quy định về mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo siết chặt, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất. Kiểm soát chặt chẽ việc giao đất thực hiện dự án; quản lý giá đất, thị trường đất đai đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả đúng pháp luật.

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai... của doanh nghiệp nhà nước, giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; nâng cao năng lực quản trị.

Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026. Khắc phục tình trạng giảm biên chế bình quân tại tất cả các cơ quan, đơn vị; xác định biên chế phải căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực, địa phương gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, công chức, viên chức trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về THTK, CLP. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra