Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa

Thứ năm, 21/03/2024 14:23
(ThanhtraVietNam) - Sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Vừa qua, để thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 và các kiến nghị tại Báo cáo số 584/BC-ĐGS ngày 11/8/2023 của Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xác định cụ thể các nội dung công việc, sản phẩm hoàn thành, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, lộ trình và tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch với nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm các điều kiện, nguồn lực và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả, kịp thời, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trong danh mục kèm theo Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15. Trong đó khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019, hoàn thành trong năm 2024.

Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/Internet 

Nghị quyết của Chính phủ nêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, quy hoạch thời kì 2021 - 2030 về phát triển giáo dục và đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan, hoàn thành trong năm 2024.

Ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa. Sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn sách giáo khoa.

Nghiên cứu quy định tiêu chuẩn đối với giáo viên một số môn nghệ thuật ở các cấp học phổ thông; nghiên cứu, thí điểm mô hình liên kết đào tạo các môn học chuyên biệt (ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật).

Đề xuất, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo đúng chủ trương và lộ trình cải cách tiền lương của Đảng và Nhà nước.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục phổ thông công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách; từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ.

Xem xét việc sử dụng ngân sách nhà nước biên soạn một bộ sách giáo khoa

Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến, tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục, tồn tại hạn chế. Phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục, các nhà giáo trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Khi kết thúc năm học 2024 - 2025, tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổng kết đánh giá việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về việc sử dụng ngân sách nhà nước biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.

Hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in, phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, sách giáo khoa cho người khiếm thị bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ; hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mua sắm thiết bị dạy học và công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc…

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra