Tây Ninh:

Trách nhiệm người đứng đầu chưa được phát huy đúng mức trong công tác giải ngân vốn đầu tư công

Thứ sáu, 16/09/2022 11:59
(ThanhtraVietNam) - Đó phát biểu của đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tại hội nghị giao ban xây dựng cơ bản tháng 9/2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công quý III và đề ra phương hướng nhiệm vụ quý IV. Hội nghị được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn không đạt mục tiêu đã đề ra

Tính đến cuối tháng 8, toàn tỉnh giải ngân gần 2.400 tỷ đồng, đạt 66,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 57,21% kế hoạch HĐND tỉnh giao (tăng 7% so với cùng kỳ). Ước giải ngân đến hết quý III là hơn 2.600 tỷ đồng, đạt 73,08% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 62,76% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Trong đó, ngân sách địa phương giải ngân hơn 1.600 tỷ đồng, đạt 63,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 51,57% kế hoạch HĐND tỉnh giao (giảm 18% so với cùng kỳ). Vốn Trung ương giải ngân gần 666 tỷ đồng, đạt 80,47% kế hoạch (tăng mạnh so với cùng kỳ). Vốn ODA giải ngân hơn 51,5 tỷ đồng, đạt 47,76% kế hoạch (giảm 34% so với cùng kỳ).

Đến ngày 31/8/2022, UBND tỉnh đã bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2022 cho 16 dự án với tổng số vốn hơn 33 tỷ đồng. Qua rà soát, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh toán, tất toán tài khoản, tích cực giải ngân vốn ngay sau khi bố trí vốn quyết toán dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 10 dự án với số vốn hơn 29 tỷ đồng, còn lại 5 dự án chưa thực hiện giải ngân và 1 dự án chưa giải ngân hết số vốn đã bố trí.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong 8 tháng, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Tây Ninh xếp thứ 5/64 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, dự kiến tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến cuối tháng 9, vẫn không đạt mục tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm là 75% kế hoạch; có 11/17 đơn vị cấp tỉnh và 2 đơn vị cấp huyện giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương phân tích những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đầu tư công, nhất là những địa phương có nhiều công trình đang triển khai thực hiện như thị xã Trảng Bàng, huyện Dương Minh Châu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp,... đồng thời, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian còn lại của năm.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - Dương Văn Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTTĐT.TN) 

Nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn; đã có 7/9 huyện có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của tỉnh, dẫn đầu là huyện Bến Cầu (gần 93%), kế đến là thị xã Hòa Thành (trên 76%), vượt so với yêu cầu giải ngân 9 tháng mà tỉnh đặt ra.

Về đơn vị cấp tỉnh, có 5 đơn vị giải ngân cao hơn bình quân của tỉnh, gồm: Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban quản lý Khu kinh tế; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số đơn vị, địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh, như thành phố Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu; Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Y tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong các nguyên nhân có nguyên nhân chủ quan là do khâu chuẩn bị đầu tư còn nhiều hạn chế cần được chấn chỉnh; công tác phối hợp giữa địa phương với các sở, ngành chưa tốt; trách nhiệm người đứng đầu chưa được phát huy đúng mức.

Trong những tháng còn lại của năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các chủ đầu tư và các địa phương cần tiếp tục xác định nhiệm vụ điều hành giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn liền với việc triển khai các gói phục hồi kinh tế góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Người đứng đầu cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này.

Qua ý kiến của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, kinh phí chi trả công tác giải phóng mặt bằng nhất định không để thiếu, không để chậm. Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế theo các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, các đơn vị, địa phương cần chuẩn bị tốt các dự án để khi có phân bổ vốn thì triển khai giải ngân ngay. Các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy trình.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra