Cục Thuế TP Hà Nội:

Triển khai bốn nhiệm vụ trọng tâm, tám giải pháp cụ thể

Thứ năm, 18/07/2024 10:35
(ThanhtraVietNam) - 6 tháng cuối năm 2024, Cục thuế TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tăng cường thanh tra để minh bạch thị trường chứng khoán

Cục Thuế TP Hà Nội hoàn thành 6.687 cuộc thanh tra, kiểm tra

“1 mục tiêu, 3 nguyên tắc, 6 phấn đấu” với 03 bài học xuyên suốt

Tạm hoãn xuất cảnh gần 5 ngàn đối tượng nợ thuế

Giải pháp bảo đảm an toàn dịch vụ ngân hàng trên mạng

leftcenterrightdel
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho 2 tập thể thuộc Cục Thuế thành phố Hà Nội. (Ảnh - Hương Thủy) 

Công tác quản lý thuế 6 tháng đầu năm 2024 được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước; trong nước nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố do ngành Thuế thực hiện 245.034 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán pháp lệnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như của cả nước, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp đã đề ra từ đầu năm, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024. Tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các chức năng quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, trọng tâm là: Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN, chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế, đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh tế số; kiểm soát chặt chẽ, đôn đốc kịp thời các khoản nợ đọng, phấn đấu tỷ lệ nợ đảm bảo chỉ tiêu theo yêu cầu.

Thứ hai, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả các chính sách về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT) của Trung ương và Thành phố, qua đó giúp doanh nghiệp, NNT ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN;

Thứ ba, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế; đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, NNT và cho cả cơ quan thuế, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số một cách toàn diện.

Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tám giải pháp cụ thể

Một là, tập trung theo dõi tiến độ thu NSNN, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu NSNN cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế cũng như tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để có biện pháp quản lý thu, chống thất thu phù hợp, hiệu quả.

Hai là, duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ bằng phương thức điện tử để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực thi chính sách pháp luật thuế, qua đó giúp doanh nghiệp, NNT duy trì ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ba là, tiếp tục thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo Đề án 06; tiếp tục nghiên cứu bổ sung các giải pháp để điện tử hóa, số hóa các khâu, các bước để hỗ trợ NNT, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; tăng cường, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đồng thời áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật.

Bốn là, tập trung chống thất thu thuế đặc biệt ở các lĩnh vực rủi ro cao, đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung vào các doanh nghiệp có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề: Thương mại điện tử, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, chuyên đề chống gian lận hoàn thuế, gian lận hóa đơn điện tử.

Năm là, rà soát, chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định. Tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý. Thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội. Kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, NNT;

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thu nộp, hiện đại hóa công tác quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh mới trên nền tảng kinh doanh số...

Bảy là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời đẩy mạnh công tác luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ và ngăn ngừa tiêu cực; tăng cường và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ công chức trên cơ sở giáo dục ý thức và giám sát liên tục.

Tám là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ./.

 

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra