Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng phải tuân theo những yêu cầu và chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thức đúng với nghề của mình.
Để nâng cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/02/2019.
Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng gồm 06 chuẩn mực: tính tuân thủ; sự cẩn trọng; sự liêm chính; sự tận tâm và chuyên cần; tính chủ động, sáng tạo và thích ứng; cuối cùng là ý thức bảo mật thông tin. Về những quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng cũng được cụ thể theo quy tắc ứng xử trong nội bộ và quy tắc ứng xử với khách hàng và đối tác.
Với gần 8 năm trong ngành và cũng là 8 năm công tác tại phòng Khách hàng bán lẻ, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Nam (Vietcombank Quảng Nam). Đây là phòng đầu mối phụ trách mảng kinh doanh của Chi nhánh, do đó tôi có cơ hội được học hỏi, thực hiện nhiều mảng nghiệp vụ, làm việc với nhiều tập khách hàng khác nhau. Và cứ thêm năm kinh nghiệm lại càng khiến tôi nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc tuân thủ Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Trong đó, chuẩn mực về sự liêm chính, minh bạch trong mối quan hệ với khách hàng, đối tác là điều mà luôn khiến tôi, cũng là một đảng viên trẻ cảm thấy đầy tự hào và yêu thương khi nhắc đến tập thể mình đang công tác – Vietcombank Quảng Nam.
Những năm gần đây, khi những vụ án kinh tế có liên quan đến các vi phạm trong hoạt động ngân hàng, các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng liên quan đến nhân viên ngân hàng,.... ngày một nhiều và diễn biến phức tạp. Nhìn vào chi tiết từng vụ án, vào từng nhân viên ngân hàng đã trở thành bị cáo. Tôi càng nhận thấy rõ “sự may mắn” của chính mình và đồng nghiệp. Với môi trường làm việc hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với tiền, thì để giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, để gìn giữ sự liêm chính như tôi tự hào ở trên là điều không hề dễ dàng. Đó là kết quả dựng xây, liên kết của rất nhiều mắc xích trong mỗi cá nhân, trong cả tập thể.
|
|
Trụ sở làm việc của Vietcombank Quảng Nam |
Trước hết, xuất phát trực tiếp từ chất lượng đội ngũ nhân sự. Với lợi thế là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam trong 8 năm liên tiếp theo kết quả Bảng xếp hạng 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 do Công ty tư vấn Tiên phong về Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc (Anphabe) công bố, Vietcombank nói chung và Vietcombank Quảng Nam nói riêng thu hút được nhiều nhân sự hầu hết đều từng là các cá nhân ưu tú tại các trường đại học, các tổ chức mà họ tham gia. Mỗi người mang theo những giá trị, nguyên tắc sống và niềm tin riêng vào môi trường làm việc. Những giá trị này bao gồm lòng trung thực, sự chính trực, trách nhiệm và sự tận tụy với công việc. Một người có giá trị cá nhân cao thường sẽ có xu hướng hành động đúng đắn, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và quy định của ngân hàng. Bởi lẻ, quanh họ, ngoài công việc và tài chính còn có những giá trị vô giá về niềm tin của người thân, văn hóa gia đình, bạn bè, là các mối quan hệ xã hội. Và những giá trị, niềm tin ấy là bước đầu giúp họ giữ mình trước những cám dỗ hay những áp lực. Niềm tin mạnh mẽ vào việc làm đúng đắn sẽ giúp định hướng hành vi và quyết định của họ trong công việc hằng ngày ở môi trường ngân hàng.
Nguồn nhân sự chất lượng về kiến thức chuyên môn, tuy nhiên kiến thức và nhận thức về đạo đức nghề nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng giúp họ đứng vững trong ngành và điều này trong sách vở, nhà trường chưa trang bị, đây cũng không phải là kiến thức có sẵn và có thể dễ dàng có được ngày một ngày hai. Tại Vietcombank, thông qua các chương trình đào tạo dành cho nhân viên mới, định kỳ hàng năm dành cho toàn thể cán bộ từ cấp nhân viên đến các thành viên trong ban lãnh đạo, các chương trình hội thảo về rủi ro hoạt động,…. nhân sự được đào tạo đầy đủ, liên tục, nhắc đi nhắc lại về các nguyên tắc và quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như hiểu rõ các hậu quả của việc vi phạm, họ sẽ nhận thức rõ ràng về đạo đức nghề nghiệp và nhận biết, xử lý các tình huống phức tạp một cách đúng đắn. Hoặc ít nhất, đó là là những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh liên tục giúp họ vượt qua những suy nghĩ, trước khi đi đến những hành động chưa chuẩn mực.
Về mặt cá nhân đã chuẩn mực nhưng để giữ vững bản lĩnh, văn hóa tổ chức sẽ là yếu tố khách quan ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của nhân sự tại ngân hàng. Một tổ chức ngân hàng có văn hóa mạnh mẽ về đạo đức sẽ thúc đẩy nhân viên hành động đúng đắn và tuân thủ các giá trị đạo đức nghiêm chỉnh. Văn hóa này bao gồm các quy tắc ứng xử, giá trị cốt lõi và chuẩn mực mà ngân hàng đề cao và yêu cầu đòi hỏi nhân viên tuân thủ. Tại Vietcombank, chúng tôi có 5 giá trị cốt lõi của văn hóa Vietcombank được khái quát hóa thành Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn mà người Vietcombank nào cũng thuộc nằm lòng và tự hào, được ghi chép chi tiết trong Sổ tay văn hóa Vietcombank. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng cũng được cụ thể hóa, chi tiết thành Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của CBNV Vietcombank. Và đó không chỉ dừng ở lời nói, chúng tôi, những cán bộ Vietcombank an tâm, tin tưởng thực hiện theo các giá trị văn hóa mà tập thể mình cùng hướng đến vì suốt cả quá trình công tác chúng tôi luôn nhận thấy rõ sự chuẩn mực của những người đi đầu, của Ban lãnh đạo, của các anh chị cấp quản lý. Suốt 8 năm công tác, tôi và đồng nghiệp của mình luôn được Ban Giám đốc chi nhánh, các anh chị lãnh đạo phòng nhắc nhở, động viên “hãy làm tốt, làm đúng”, “tuân thủ”, “không hạ chuẩn”. Sự chỉ đạo khách quan, luôn vì mục tiêu chung của tập thể của từng thành viên trong Ban Giám đốc, của từng anh chị lãnh đạo phòng đã giúp chúng tôi hiểu được sâu sắc giá trị chung mà chúng tôi hướng đến và phải ra sức giữ gìn. Nhìn lại các vụ án hay cả các đại án ngân hàng, với số lượng nhân viên ngân hàng liên quan từ vài người, vài chục người đến cả trăm người các vị trí khác nhau mới thấy rõ chúng tôi đang được làm việc trong môi trường khá “lành tính” và đáng tự hào. Công việc tuy vất vã, nhưng chúng tôi cứ an tâm làm tốt công việc của mình, giải quyết công việc đúng nguyên tắc, có lý, có tình; không thiên vị, không gây phiền hà, nhũng nhiễu khách hàng và đối tác, chế độ đãi ngộ sẽ tương xứng với năng lực và công sức bỏ ra và hơn hết chúng tôi được ngủ ngon vì không làm gì trái với lương tâm, không làm gì phạm lỗi để phải lo sợ.
|
|
Ban Giám đốc cùng các anh chị là cán bộ quản lý tại các phòng ban của Vietcombank Quảng Nam |
Và khi những chuẩn mực đã trở thành văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, các thành viên trong tổ chức, trong doanh nghiệp ấy càng đồng lòng, nhất quán thực hiện thì việc phát hiện và loại trừ cá nhân lệch chuẩn càng trở nên dễ dàng. Khi đó, bộ lọc của tổ chức càng phát huy tác dụng và ngày càng giữ vững nét đẹp văn hóa của đơn vị.
Việc giữ gìn, phát huy sự tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của toàn thể CBNV Vietcombank Quảng Nam sẽ là công cuộc trường kỳ, liên tục và nhắc đi nhắc lại, không chủ quan và luôn cảnh giác. Với những nền tảng sẵn có và sự chỉ đạo đúng đắn của Ban giám đốc chi nhánh, Vietcombank Quảng Nam nói chung và Đảng bộ Vietcombank Quảng Nam nói riêng sẽ không ngừng phát triển trong sạch, vững mạnh. Để mỗi CBNV, mỗi người Vietcombank đều mãi tự tin mỗi khi đối diện với người thân, nhìn vào ánh mắt trong veo của đứa con thơ mà nói với con về rất nhiều điều tốt đẹp./.