Vai trò của Thanh tra Sở NNPTNT trong phát triển xanh và bền vững cây sầu riêng tại Đắk Lắk

Thứ hai, 11/09/2023 09:00
(ThanhtraVietNam) - Trước tình hình tăng trưởng nóng của cây sầu riêng, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Lắk cần chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kết hợp với thanh tra cấp huyện triển khai các cuộc thanh tra đột xuất chuyên đề về sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là thanh tra việc chuyển đổi cây trồng khác sang cây sầu riêng.

Ngày 27/10/2022 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó quy định đối với cây sầu riêng: Định hướng phát triển khoảng 65-75 ngàn ha, sản lượng 830 - 950 ngàn tấn. Các tỉnh trọng điểm sản xuất sầu riêng: Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre), Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bình Phước), Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông). Cũng tại Quyết định này, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai, thực hiện các nội dung của Đề án: Định hướng phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh.

Cây sầu riêng đang tăng trưởng nóng

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk: Địa phương hiện có 22.458 ha sầu riêng (diện tích cho thu hoạch trên 9.600 ha), chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả. Riêng năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn, vượt quy hoạch gần 7.500 ha.

Diện tích trồng sầu riêng vượt quy hoạch như trên là do giá sầu riêng đang được các thương lái, doanh nghiệp đặt cọc, thu mua tại vườn dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái đặt cọc thu mua giá từ 95.000 - 100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá sầu riêng đầu vụ năm 2022 (trong khi năm 2021, giá sầu riêng năm  chỉ có 35.000 đồng/kg).

 
leftcenterrightdel
Chế biến sầu riêng tại cụm công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột 

Bài học từ phá vỡ quy hoạch

Trước đây, thời hoàng kim của cây cà phê (1994 -2002) cũng đã có dự báo về các hệ lụy nếu quy hoạch bị phá vỡ. Thay vì chỉ phát triển từ 150.000 - 180.000 ha ở Đắk Lắk thì diện tích trồng cà phê thực tế đã vượt quy hoạch gần 100 ha. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới, chất lượng cà phê không đảm bảo, cung vượt cầu cùng với các yếu tố khác của thị trường đã khiến giá cà phê sụt giảm mạnh. Đến giai đoạn 2008 - 2013, người nông dân đã phải hứng chịu hậu quả khi giá cà phê chỉ còn 4 triệu đồng/tấn nhân xô.

Với cây hồ tiêu tại Đắk Lắk, thời điểm năm 2018 có 42.560 ha, vượt 150% so với quy hoạch định hướng đến năm 2020. Diện tích hồ tiêu vượt quy hoạch không thể kiểm soát có nguyên nhân cũng giồng cây cà phê là do nông dân chạy đua theo thời giá, ồ ạt chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng hồ tiêu bất chấp điều kiện thổ nhưỡng, đất đai không phù hợp…

Cần thanh tra chuyên đề về chuyển đổi cây trồng khác sang cây sầu riêng

Từ thực tiễn nói trên, các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đắk Lắk cần bám sát phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030, qua đó chủ động kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất đúng mục đích.

Hiện nay, Sở NNNPTNT tỉnh Đắk Lắk mới ban hành Quyết định số 1131/QĐ-SNN về việc giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang thị trường nước ngoài đã được cấp, phê duyệt mã số trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trước tình hình tăng trưởng nóng của cây sầu riêng nói trên, Thanh tra Sở NNPTNT cần chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kết hợp với thanh tra cấp huyện triển khai các cuộc thanh tra đột xuất chuyên đề về sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là thanh tra việc chuyển đổi cây trồng khác sang cây sầu riêng. Cần kết hợp thanh tra việc quản lý mã vùng trồng, việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật cho cây sầu riêng theo Quyết định số 3763/QĐ ngày 19/12/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk nhằm đảm bảo thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trồng, khai thác, chế biến sầu riêng cần thực hiện nghiêm các quy định của các cơ quan chính quyền các cấp từ khâu đầu đến khâu cuối, đó là việc thực hiện đúng diện tích, mục đích đất đã được quy hoạch, đúng quy trình chăm sóc, chế biến bảo quản đảm bảo đúng chất lượng, đảm bảo sản xuất sầu riêng theo hướng nông nghiệp xanh bền vững./.

Nhất Duy
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra