Hiểu như thế nào về phát thải ròng bằng “0”
Theo Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) (IPCC), phát thải ròng bằng “0” là “Khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định”. Nói một cách đơn giản, ở cấp độ toàn cầu, cần cân bằng giữa lượng khí nhà kính (KNK) con người đưa vào bầu khí quyển với lượng KNK thải ra khỏi bầu khí quyển. Có nghĩa là không đưa thêm KNK vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, con người cũng cần phải ứng phó với những tổn hại trong quá khứ, vì ngay cả khi đã đạt được phát thải ròng bằng không, vẫn phải đối phó với tác động của lượng KNK mà chúng ta đã phát thải trước đó vào bầu khí quyển.
Hướng tới phát thải ròng bằng “0” có nghĩa là chúng ta vẫn có thể phát thải vào bầu khí quyển một lượng KNK, miễn là có thể bù đắp bằng các quá trình loại bỏ KNK từ bầu khí quyển. Ví dụ, đó có thể là trồng rừng mới hoặc sử dụng các công nghệ thu hồi. Càng phát thải nhiều, con người càng cần loại bỏ nhiều KNK khỏi bầu khí quyển để đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Tuy nhiên, để tránh thảm họa khí hậu, lượng phát thải KNK mới vào bầu khí quyển phải càng thấp càng tốt. Nói một cách khác, cần tiến tới, gần nhất có thể, mức phát thải bằng “0” và chỉ dựa vào việc bù trừ khi thực sự cần thiết. Điều này cũng có nghĩa cần nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - than, dầu và khí đốt - và chuyển sang năng lượng tái tạo.
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững” nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh tại Việt Nam do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức vào ngày 30/6/2023, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, tại COP 26 vừa qua, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được nền kinh tế tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới. Với chiến lược thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Trường Đại học Ngoại Thương đã tập trung xây dựng các chương trình nghiên cứu, đào tạo, tư vấn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp.
TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ mong muốn các nhà khoa học sẽ đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH. Từ đó, góp phần xây dựng những chiến lược và chính sách phù hợp để nắm bắt thời cơ, cơ hội thúc đẩy, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác đầu tư theo hướng bền vững.
|
|
TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: PV |
Đồng tình với ý kiến của TS. Tạ Đình Thi, TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá cao Hội thảo Khoa học quốc gia Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần nâng cao nhận thức và tạo động lực trong việc phát triển kinh tế xanh. TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn các cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng; các chương trình về chuyển đổi năng lượng công bằng được hỗ trợ về tài chính, ngân sách; công nghệ về năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, từ đó có thể bắt nhịp được vào công cuộc chuyển đổi xanh. Việt Nam cần tích cực hợp tác quốc tế để khắc phục các vấn đề khó khăn liên quan đến nguồn lực tài chính và con người. Khi Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội thì sẽ có khả năng đạt được mục tiêu đã cam kết trong giảm phát thải KNK bằng “0”, vươn lên là một nước phát triển.
Để huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh theo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam, TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học mà còn bỏ qua công bằng xã hội và làm giảm cơ hội phát triển của thế hệ tương lai. Sau đại dịch Covid - 19, việc phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng phục hồi xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu (EU) dành khoảng 30% (891 tỷ USD) cho các dự án đầu tư thân thiện với khí hậu trong thập kỷ tới. Đầu tư năng lượng xanh cũng được chú ý hơn như ở Pháp, Ý, Anh; phát triển giao thông vận tải bền vững như ở: Úc, Áo, Pháp, Đức, Thuỵ Điển; kinh tế số và kinh tế tuần hoàn được bắt đầu chú ý phát triển mạnh ở Trung Quốc. Việt Nam có thể dựa vào kinh nghiệm quốc tế để đánh giá lại các mô hình tăng trưởng kinh tế và tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đầu tư xanh hóa và thân thiện với môi trường./.