Theo đó, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để duy trì những kết quả tích cực đã đạt được. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các chỉ số thành phần trong Cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Phấn đấu đưa Chỉ số PCI tỉnh Vĩnh Long năm 2024 nằm trong top 30 tỉnh, thành phố của cả nước; Chỉ số PGI tỉnh tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2024 và những năm tiếp theo. Thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình tổ chức thực hiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện các chỉ số thành phần có liên quan.
Đối với Chỉ số PCI, tại Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát lại khâu đăng ký và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích về thời gian thực hiện đăng ký doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp…; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội, Cục thuế thực hiện tốt quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; phối hợp Bưu điện trong việc chuyển kết quả giải quyết. Phấn đấu rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 07 xuống 05 ngày; đối với hồ sơ đăng ký thay đổi của doanh nghiệp, thực hiện trả kết quả trong thời hạn từ 01 đến 02 giờ trong ngày. Phấn đấu thời gian đăng ký thuế và thay đổi thông tin đăng ký thuế không quá 01 ngày.
|
|
UBND tỉnh Vĩnh Long công bố khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (Ảnh: CTTĐT.VL) |
Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền các dịch vụ công trực tuyến để doanh nghiệp nắm bắt và sử dụng. Tư vấn, hướng dẫn người dân đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký doanh nghiệp thông qua hình thức trực tuyến, trực tiếp ở Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, bưu điện. Phấn đấu triển khai thực hiện từ 70% đến 100% thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (toàn trình) trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký thành lập mới/thay đổi nội dung/tạm ngừng/giải thể doanh nghiệp. Phấn đấu thời gian đăng ký thuế (cấp Mã số thuế) qua mạng điện tử đạt từ 80% trở lên.
Ngoài ra, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng và trên trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp.
Kế hoạch cũng yêu cầu, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của công chức thuế, văn hóa công sở và Tuyên ngôn của ngành Thuế là: “Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính, Đổi mới”. Đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình song song với việc đẩy mạnh dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa ngành Thuế với các Sở, ban ngành có liên quan theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Về công tác thanh tra, yêu cầu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo không chồng chéo. Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp và cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
Đối với chỉ số thành phần Chi phí không chính thức, Thanh tra tỉnh chủ trì; Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Thông tư số 01/2021/TT-TTCP ngày 11/3/2021 của Thanh tra Chính phủ Quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, quy định 05 điều kỷ luật trong thực hiện công vụ của ngành. Thực hiện tốt việc kiểm tra đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời đề xuất, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Kế hoạch cũng khuyến khích các hoạt động đầu tư xanh, bảo vệ môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm tài nguyên và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng bền vững, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường. Khuyến khích áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.