Đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng những kết quả ban đầu của Đề án 414

Thứ bảy, 04/09/2021 11:28
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” (Đề án 414), đến nay tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả ban đầu, ở đó đồng bào DTTS là trung tâm được thụ hưởng.

1.351 hộ nghèo, hộ cận nghèo được lắp đầu thu truyền hình số

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, để thực hiện Đề án 414, tỉnh này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng ICT và hệ thống truyền thanh không dây đảm bảo đồng bào DTTS tiếp cận được ứng dụng CNTT, phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS về việc ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh cấp xã, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới Đài Truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 7 xã khó khăn thuộc 3 huyện của tỉnh với trị giá trên 2 tỷ đồng. Triển khai lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất và đầu thu truyền hình số vệ tinh cho 1.351 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, mở rộng vùng phủ sóng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Cùng với việc tổ chức bàn giao thiết bị tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động cho 1 huyện và 11 xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a và Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh... Đó là những việc làm hết sức cụ thể và thiết thực để đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào tiếp cận thông tin ở nhiều lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Đồng bào DTTS có thể dùng máy tính hoặc thiết bị thông minh để theo dõi, tránh khu vực, tuyến đường có dịch bệnh Covid-19. Ảnh chụp màn hình: PV 

Kết nối đồng bộ, thông suốt thông tin về công tác dân tộc

Thực tế, hoạt động ứng dụng CNTT còn giúp đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa Ủy ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương tại Bắc Kạn.

Đến nay, Bắc Kạn đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 2.0. Hạ tầng kỹ thuật CNTT và truyền thông từng bước được đầu tư và hiện đại hóa; tỉnh có 1 trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung đã được đầu tư và đưa vào sử dụng; tỉnh đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) trong điều kiện còn chưa bố trí được nguồn đầu tư; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và Internet băng thông rộng để phục vụ công việc. Tỉnh cũng đã tiếp nhận từ Bộ Thông tin và Truyền thông và đưa vào vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) từ năm 2019.

Cùng với đó, hệ thống hội nghị trực tuyến được đầu tư, liên thông từ Trung ương đến địa phương, phương thức hội nghị trực tuyến kết nối 3 cấp từ Trung ương đến huyện được sử dụng và phát huy hiệu quả; hoàn thành chuyển đổi IPV6 cho Trung tâm tích hợp dữ liệu, giải pháp bảo mật và an toàn thông tin được đảm bảo. Tiếp đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng giúp kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% cơ quan Đảng, Chính quyền ở cả 3 cấp tại Bắc Kạn; công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng từng bước được quan tâm…

Như vậy, Bắc Kạn đã nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương bằng nhiều giải pháp; trong đó, vừa quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho các cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh vừa kết nối đồng bộ, thông suốt thông tin về công tác dân tộc.

Có được những kết quả ban đầu nói trên, theo Ban Dân tộc Bắc Kạn, điều rất quan trọng là việc nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS. Từ đó, các cấp ủy Đảng, Chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

PV

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra