Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

Thứ năm, 15/04/2021 08:56
(ThanhtraVietNam) - Thời gian vừa qua, các tổ chức tôn giáo đều chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định yêu cầu của Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19; không có các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, vi phạm quy định về phòng chống dịch.

Thủ đô Hà Nội là địa bàn có số lượng cơ sở thờ tự và chức sắc tôn giáo nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên địa bàn Thành phố (TP) hiện có 07 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành (phát triển mạnh nhất, từ 2013-2019, số điểm nhóm tăng gần 50%, tín đồ tăng 56%), Cao Đài, Hồi giáo, Baha’i, Minh Sư đạo và 01 Ban Đại diện được công nhận về tổ chức là Giáo hội. Với tổng số 4.995 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (1.664 cơ sở tôn giáo, 2.556 cơ sở tín ngưỡng, 755 cơ sở đan xen tín ngưỡng, tôn giáo), gần một triệu tín đồ, 2.500 chức sắc, hơn 5.000 chức việc. Hà Nội còn là địa bàn tập trung số lượng lớn tín đồ tôn giáo là người nước ngoài, thuộc 40 quốc tịch, sinh hoạt tôn giáo ở 14 nhóm, trong đó có 03 nhóm đạo Công giáo, 01 nhóm Chính Thống giáo, 01 nhóm Phật giáo, 09 nhóm đạo Tin lành, với khoảng trên 10.000 người. Ngoài ra, Hà Nội hiện còn có 08 “hiện tượng tôn giáo mới” hoạt động nhưng chưa đủ điều kiện để cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, thu hút gần 2.000 tín đồ.

Từ ngày 27/01/2020 đến nay, Việt Nam đã phát hiện nhiều ca lây nhiễm covid-19 trong cộng đồng (tại các tỉnh, thành phố Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác), đây cũng là thời điểm các tổ chức tôn giáo theo thông lệ tổ chức nhiều các nghi lễ, sinh hoạt tập trung đông tín đồ dịp đầu năm. Đó là các thánh lễ trong Mùa Chay của đạo Công giáo, Tin lành (điển hình là Lễ Tro vào ngày 17/2); Lễ mừng Xuân Di Lặc (Ngày Vía đức Di Lặc), Lễ Thượng Nguyên của đạo Phật…

Dù vậy, các tổ chức tôn giáo và chức sắc Giáo hội đều nhận thức rõ về diễn biến phức tạp và nguy cơ lây nhiễm của dịch covid-19 trong cộng đồng, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Chính phủ, UBND TP và hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Từ 0h ngày 16/2/2021, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TP đều đóng cửa, dừng các hoạt động tôn giáo hoặc sinh hoạt với số lượng ít, nội bộ;  thực hiện khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới của Bộ Y tế, thực hiện tốt thông điệp “5K” gồm “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”.

Cụ thể, Giáo hội Công giáo Việt Nam và 03 Tòa giám mục: Hà Nội, Hưng Hóa, Bắc Ninh dù không có chủ trương dừng các khóa lễ nhưng có hướng dẫn rút ngắn thời gian lễ tại nhà thờ, hạn chế tổ chức các hoạt động lễ tập trung đông người, tạm dừng việc giải tội riêng tại nhà thờ, các lớp giáo lý, các hoạt động hội họp, khuyến khích giáo dân tham dự lễ trực tuyến qua mạng internet.

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và tăng ni trụ trì các cơ sở tự viện (chùa) cũng chủ động có hướng dẫn yêu cầu các cơ sở tự viện thực hiện tốt thông điệp “5K”, chia nhỏ các khóa lễ cầu an làn nhiều buổi, không tập trung đông người, khuyến khích tăng ni, phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến thông qua internet, mạng xã hội Phật giáo. Từ 0h ngày 16/02/2021, các chùa đồng loạt có Thông báo đóng cửa chùa, tổ chức các khóa lễ cầu an Xuân Tân Sửu phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của tín đồ phật tử thông qua hệ thống mạng xã hội và các kênh truyền thông của Giáo hội như: Truyền hình An Viên, Giác ngộ Online, Phật giáo.org, Phật sự Online, MXH Buttan (Chùa Trấn Quốc, Phúc Khánh, Quán Sứ, Chùa Sủi). Các nghi lễ tôn giáo đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ phật tử được chức sắc, tăng ni tổ chức nội bộ với số lượng từ 05 – 10 người, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch (đeo khẩu trang, giãn cách).

Riêng Hội thánh Tin lành trên địa bàn Hà Nội, cộng đồng người nước ngoài theo đạo Tin lành trên địa bàn TP, từ 0h ngày 16/02/2021 đều nghiêm túc thực hiện đóng của các cơ sở tôn giáo, tạm dừng hoạt động, sinh hoạt với số lượng nhỏ tại địa điểm tư gia, tổ chức thờ phượng theo hình thức trực tuyến qua phần mềm “Zoom”; Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Al-Noor thông báo tạm đóng của và dừng các lễ tại Thánh đường, việc hành lễ tại số 12 Hàng Lược (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) duy trì với số lượng từ 3-4 người.

Đặc biệt, các tôn giáo đã chủ động trong việc thay đổi quy mô, hình thức, nghi lễ để vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của tín đồ, vừa thích ứng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp (Nghi lễ cầu an trực tiếp qua mạng xã hội của Phật giáo); tuyên truyền để tín đồ hiểu và chấp hành các quy định về phòng chống dịch; thực hiện phun khử khuẩn tại cơ sở tự viện, thực hiện tốt thông điệp “5K” đảm bảo an toàn cho tín đồ và cộng đồng. Tuy nhiên, tại một số cơ sở tôn giáo của Công giáo (Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Cổ Nhuế) vẫn tổ chức buổi lễ với  số lượng từ 60 – 100 giáo dân tham dự vào ngày 17/02/2021 (Lễ Tro).

Thời gian tới tiếp tục diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng, các lễ trọng đầu năm của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với những thánh lễ sinh hoạt tôn giáo tập trung đông giáo dân mà điển hình là Lễ Chúa Phục sinh của đạo Công giáo và Tin lành; Ngày Phật thích ca xuất gia, Ngày Phật thích ca nhập Niết Bàn, Ngày vía Phật thích ca Đản sinh của đạo Phật; các ngày tiệc của các vị thánh trong Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ Chầu Bà, Ông Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu theo tín ngưỡng Thờ Mẫu. Đây là nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ với mong muốn cầu sức khỏe, bình an, hạnh phúc cho một năm mới.

Ban Tôn giáo TP đề xuất BCĐ Công tác phòng chống dịch covid-19, TP xem xét việc mở của các cơ sở di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong thời gian sớm nhất sau khi TP đã bước đầu nới lỏng các điều kiện phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế trên cơ sở yêu cầu các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch; thực hiện hoạt động theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành và UBND các cấp. Giao Sở Văn hóa Thể thao, Ban Tôn giáo TP, UBND quận huyện có hướng dẫn quy định cụ thể về phương thức và quy mô hoạt động trong thời gian tới với các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (không tổ chức lễ hội; khuyến khích các nghi lễ trực tuyến; các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo đap ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ tại cơ sở ngoài thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định cần hạn chế tập trung đông người, chia nhỏ cuộc lễ thành nhiều buổi, đảm bảo quy mô phù hợp để phòng chống dịch, thực hiện thông điệp “5K”, giãn cách giữa người và người là 1m theo quy định).

Ngoài ra, Ban Tôn giáo TP tiếp tục có Văn bản hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch theo chỉ đạo của TP cùng với việc tiếp tục gặp gỡ chức sắc các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền, tác động thực hiện các hoạt động tôn giáo đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch./.

Trường An

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra