Thứ năm, 26/09/2024 - 14:58 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Việc một người có án tích lại được bổ nhiệm làm Thứ trưởng gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để chứng minh khả năng và sự cải thiện của cá nhân đó, trong khi một số khác lo ngại về tính minh bạch và đạo đức trong chính trị.
Từng có án tích lại có thể thăng tiến tới Thứ trưởng Bộ Công Thương
Thông tin cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và thuộc cấp là ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) từng phải nhận án tù, đã được xóa án tích khiến dư luận bất ngờ.
Đặc biệt, rất nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ông Đỗ Thắng Hải từng có án tích lại có thể thăng tiến tới chức vụ cao như Thứ trưởng Bộ Công Thương?
Trong số 15 bị can vụ án Xuyên Việt Oil, bị can Đỗ Thắng Hải, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương và Nguyễn Lộc An, cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố tội "Nhận hối lộ".
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Báo Giao thông
Theo cáo buộc, ông Đỗ Thắng Hải đã ký cấp giấy phép số 55 ngày 19/11/2021 cho Công ty Xuyên Việt Oil và nhận hối lộ 50.000 USD (tương đương hơn 1,2 tỷ đồng) của bà Hạnh tại phòng làm việc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ từ bà Mai Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil tổng số tiền 400 triệu đồng cùng chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe.
Đáng chú ý, năm 1988, bị can Đỗ Thắng Hải, SN 1963, thường trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù treo về tội Đầu cơ; hiện đã được xóa án tích.
Còn bị can Nguyễn Lộc An thì bị Toàn án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử và tuyên mức án 3 năm tù treo vào năm 2002 về tội Trốn thuế; hiện đã được xóa án tích.
Với một người đã từng vi phạm pháp luật đến mức độ hình sự, dù đã được xóa án tích mà lại thăng tiến đến một chức vụ cao, quyền rất lớn và quan trọng ở một lĩnh vực lại liên quan tới tiền bạc thì chắc hẳn là điều xưa nay hiếm, thậm chí chưa thấy.
Về quy trình bổ nhiệm hay tiểu chuẩn chức danh Thứ trưởng cũng khắt khe, ít nhất cũng phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn chung như: Tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; tiêu chuẩn về trình độ; tiêu chuẩn về năng lực và uy tín; tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác…
Liệu có lỗ hổng trong công tác cán bộ?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nói: “Tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên trước thông tin này, điều không thể lại trở thành có thể này lại khiến tôi lo lắng, lo lắng cho lỗ hổng trong công tác cán bộ và về chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên hiện nay, vấn đề đã nhiều lần được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước”.
Vậy, vấn đề đặt ra trước hết là cần phân biệt một cách rành rẽ vấn đề luật pháp và chuyện lựa chọn cán bộ. Một trong những nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…”, (Điều 5 Luật Cán bộ, công chức).
Theo TS. Đinh Văn Minh, mọi người đều biết rằng tuyệt đại đa số cán bộ, công chức giữ chức danh lãnh đạo quản lý trong các cơ quan nhà nước là đảng viên, cho nên việc quản lý và sử dụng cũng như quá trình thăng tiến không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn phải thực hiện theo các quy định của Đảng.
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
“Chúng ta không theo “chủ nghĩa lý lịch” để truy nguyên và cản trở mong muốn cũng như sự phấn đấu của mỗi con người đã từng trải qua sai lầm trong quá khứ nhưng cũng không thể dễ dãi xem nhẹ những gì đã từng diễn ra, nhất là trong việc lựa chọn cán bộ. Bản án, án tích rồi sẽ qua đi nhưng bản chất con người không dễ gì thay đổi”, TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.
Theo các quy định về bổ nhiệm cán bộ thường yêu cầu ứng viên phải có lý lịch trong sạch. Điều này nhằm đảm bảo rằng những người nắm giữ vị trí lãnh đạo có thể thực hiện nhiệm vụ một cách minh bạch và đáng tin cậy.
Trong trường hợp một cá nhân từng có án tích, việc bổ nhiệm có thể vi phạm quy định này nếu không có sự điều chỉnh luật hoặc miễn trừ rõ ràng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân đó mà còn có thể tạo ra tiền lệ không tốt cho các trường hợp tương tự trong tương lai.
Làm rõ quá trình lựa chọn nhân sự, xây dựng cán bộ nguồn
Dưới góc nhìn của luật sư, vụ việc này còn có nhiều vấn đề cần được làm rõ, theo Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Thứ nhất, đối với vấn đề án tích, cần phải xem xét xem tại thời điểm được đề bạt vị trí trong Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải đã thật sự được xóa án tích chưa? Có một hay nhiều án tích, nếu có nhiều án tích thì tất cả các án tích đó đều đã được xóa hay chưa? Vấn đề này vô cùng quan trọng, vì pháp luật quy định rõ ràng hệ quả pháp lý về nhân thân của người từng phạm tội chưa được xóa án tích và đã được xóa án tích.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ người bị kết án về hành vi phạm tội mà sau đó chấp hành xong hình phạt tù và trải qua thời gian thử thách thì được xóa án tích. Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
Về hệ quả pháp lý nhân thân của án tích, tại khoản 2 Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1, trường hợp “không có án tích” trên phiếu lý lịch tư pháp số 1 sẽ xảy ra theo hai hướng: Một là không phạm tội, hai là có phạm tội nhưng đã được xóa án tích. Ông Đỗ Thắng Hải cần phải chứng minh được bản thân được xét trong trường hợp đã từng phạm tội, có án tích và đã được xóa án tích hợp pháp (kể cả trường hợp có nhiều án tích thì tất cả các án tích đều phải được xóa) theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Thứ hai, cần xem xét về quy trình tổ chức, xây dựng cán bộ trong ban, ngành như thế nào? Mỗi một ban, ngành dựa trên quy định chung sẽ có những quy định riêng phù hợp với tình hình nguồn lực, yêu cầu của mình. Tại thời điểm ông Hải công tác tại Bộ Công Thương và các lần được đề bạt cán bộ thì Bộ Công Thương đã đề ra tiêu chí tuyển dụng, số lượng, tiêu chuẩn, quy định về đề bạt và cả những biện pháp phòng, chống tham nhũng, “đi cửa sau” trong khâu tổ chức cán bộ ra sao?
Theo tinh thần của pháp luật và các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc tổ chức tuyển dụng và đề bạt cán bộ cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, công khai, bình đẳng… Vậy câu hỏi đặt ra là trách nhiệm nào được đặt ra nếu ông Đỗ Thắng Hải thực sự đã sai phạm trong quá trình từ người từng phạm tội đến Thứ trưởng Bộ Công Thương? Trách nhiệm này, ai sẽ là người gánh chịu, ai là người đề bạt ông Hải, hay người đứng đầu cơ quan đã chấp thuận cho ông Hải? Quá trình lựa chọn nhân sự, xây dựng cán bộ nguồn vào những chức vụ quan trọng như vậy có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nào? Nếu phát hiện "lỗ hổng" trong công tác tổ chức cán bộ, cần phải bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi.
Xây dựng một nền hành chính liêm chính, trong sạch và hiệu quả
Có thể nói, việc một người có án tích lại được bổ nhiệm làm Thứ trưởng đang gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để chứng minh khả năng và sự cải thiện của cá nhân đó, trong khi một số khác lo ngại về tính minh bạch và phẩm chất, đạo đức trong chính trị. Điều này mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về cách mà xã hội đánh giá khả năng tái hòa nhập của những người từng phạm tội và liệu họ có thực sự xứng đáng với những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước hay không.
Câu hỏi đặt ra về tiêu chí bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, liệu có nên xem xét quá khứ phạm tội của một cá nhân khi đánh giá khả năng lãnh đạo và cống hiến cho đất nước? Nhiều người cho rằng, để xây dựng một nền hành chính liêm chính, trong sạch và hiệu quả, cần phải có sự minh bạch, công khai và công bằng trong việc tuyển chọn nhân sự.
Trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội đang ngày càng chú trọng đến việc xây dựng một nền chính trị liêm chính, thông tin về ông Đỗ Thắng Hải khiến nhiều người thực sự cảm thấy bất ngờ. Bên cạnh đó, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng vào hệ thống chính trị, khi mà những người có quá khứ không trong sạch lại được giao những trọng trách.
Cuối cùng, cần có sự phân tích thấu đáo và công bằng về trường hợp này, để không chỉ đảm bảo rằng những người có án tích có thể tái hòa nhập với xã hội, mà còn để duy trì sự ổn định và niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước./.
Lan Anh
Từ khóa:
cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ông Nguyễn Lộc An cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước tính minh bạch và đạo đức trong chính trị vụ án Xuyên Việt OilÝ kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Kim Dung - Dương Nguyễn
Tin đọc nhiều
(ThanhtraVietNam) - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị tổ chức Lễ khởi công, khánh thành các công trình lớn dự kiến vào ngày 19/8 và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025). Mỗi đơn vị phải có ít nhất 2 dự án đủ điều kiện để khởi công hoặc khánh thành.
PV
(ThanhtraVietNam) - Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí trước Quốc hội cho thấy hàng loạt cán bộ, thẩm phán bị kỷ luật nghiêm khắc. Ngoài 20 trường hợp bị kỷ luật hành chính, có 7 người bị xử lý hình sự, trong đó 5 người đã bị khởi tố.
PV
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh đã triển khai 27 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hoạt động ổn định và kế hoạch số hóa toàn diện tài liệu lưu trữ, đảm bảo chuyển giao xuyên suốt khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.
Pv
(ThanhtraVietNam) - Quyết định số 862/QĐ-TTg được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 01/5/2025 nhằm đảm bảo quá trình triển khai Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Pv
(ThanhtraVietNam) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và 9 tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai dự án trọng điểm quốc gia với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 8/2025.
PV
(ThanhtraVietNam) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, vừa ký Quyết định số 44/QĐ-HĐPH phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2025.
PV
(ThanhtraVietNam) - Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết lịch sử với sự đồng thuận rất cao, giảm 76% số đơn vị hành chính cấp xã, sau khi hơn 97% người dân bỏ phiếu ủng hộ.
PV
(ThanhtraVietNam) - HĐND tỉnh Cao Bằng quyết nghị hai vấn đề trọng tâm: sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phân bổ vốn bổ sung cho chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu hoàn thiện đề án trước 1/5 để trình Chính phủ phê duyệt.
PV
(ThanhtraVietNam) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp ban hành Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 19/4/2025 phân công các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến việc kết thúc hoạt động của CQĐP cấp huyện và tổ chức CQĐP 2 cấp.
PV
(ThanhtraVietNam) - Hà Nội đang bước vào một giai đoạn chuyển mình đầy táo bạo khi lên kế hoạch di dời 11 trụ sở cơ quan nhà nước và khoảng 40 hộ dân ở phía đông hồ Hoàn Kiếm, nhường chỗ cho một không gian công cộng hơn 20.000 m².
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2025, qua đó góp phần hòa giải, giải quyết các thủ tục hành chính và phát huy dân chủ ở cơ sở.
Hữu Anh
(ThanhtraVietNam) - 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025) là dịp đặc biệt để chúng ta tri ân những người thầy thuốc – những "chiến sĩ áo trắng" đã không ngừng cống hiến, hy sinh thầm lặng vì sức khỏe của cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để nhìn lại chặng đường 70 năm đầy tự hào của ngành y tế Việt Nam, từ những ngày đầu gian khó đến những bước tiến vượt bậc trong thời đại mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lan Anh