Nếu miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam có bánh tét. Bánh tét cũng có các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh nhưng thịt có thể có hoặc không. Bởi vậy, bánh tét không có thịt bảo quản lâu hơn bánh chưng và có thể ăn sau Tết. Thay bằng lá dong gói bánh chưng, người miền Nam dùng lá chuối gói bánh tét. Việc gói bánh kỹ càng đã hạn chế bánh tiếp xúc với không khí nên bảo quản được lâu. Nếu ở miền Bắc, chiếc bánh chưng vuông vức thì ở miền Nam người ta gói bánh tét theo hình trụ dài. Miền Trung có cả bánh chưng lẫn bánh tét. Bánh chưng miền Trung thường bé và ít nhân hơn bánh chưng ngoài Bắc. Bánh tét miền Trung thì giống như bánh tét ở miền Nam.
|
|
Ảnh minh họa gói bánh tét đón Tết |
Bánh tét miền Trung ngon nhất là ở Huế. Bởi bánh tét làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) ở Huế đã nổi tiếng cả nước. Nó có sự đặc biệt về nguyên vật liệu. Tại làng này từ xưa đã khoanh vùng khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp ngon. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng).
Nhà văn Nguyễn Tuân lý giải về nguồn gốc bánh tét: “Bánh này là “con” của “ông bà” bánh chưng, bánh dày từ thời vua Hùng. Khi mở cõi phía Nam, Tết đến, quân ta nhớ miền Bắc luộc bánh chưng, nhưng làm vuông thì khó mang theo người và mở ra phải ăn hết, họ sáng kiến làm bánh tròn để mỗi anh đeo tòng teng 2 đòn bánh và ăn đến đâu cắt đến đó. Khi Quang Trung tiến quân ra Thăng Long, bánh tét này là lương thực chủ yếu. Còn cái tên tét thì xuất phát từ việc gói bánh này để ăn Tết, để đón Tết nên gọi là bánh Tết. Ông thực dân Tây đọc không dấu thì gọi là bánh Tet, viết phiên âm là: tét”.
|
|
Ảnh minh họa những lát bánh tét |
Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (ngày 26/12/1788), đại quân của Hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng tại đây hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng. Hoàng đế Quang Trung đã duyệt binh, đọc dụ khích lệ tướng sĩ rồi tiến quân ra Bắc. Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (ngày 15/1/1789), đại quân ra đến Tam Điệp (Ninh Bình). Nhân dân những địa phương này đã nô nức đem các món ăn quê nhà để khao nghĩa quân.
Dịp gần Tết Kỷ Dậu (1789), Hoàng đế Quang Trung quyết định cho quân ăn Tết sớm. Chỉ trong vòng 6 ngày kể từ đêm 30 Tết âm lịch, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh.
Từ Thuận Hóa (Huế), Hoàng đế Quang Trung đưa một đạo quân gồm 7 vạn người ra đến Thăng Long với chặng đường 1.200 dặm chỉ trong vòng 40 ngày. Nguyên nhân là Hoàng đế Quang Trung đã chỉ đạo cho quân lính mang theo những đòn bánh tét bên mình khi hành quân. Những đòn bánh tét không cồng kềnh, có thể mang bên mình, lại có thể vừa đi, vừa ăn, không cần dừng lại để nấu. Có truyền thuyết cho rằng trong số quân lính của Hoàng đế Quang Trung có một người lính được vợ gửi cho món bánh tét. Người lính mang bánh tét mời Hoàng đế Quang Trung. Hoàng đế Quang Trung ăn thấy ngon bèn hỏi thăm kỹ hơn về loại bánh này.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hai khoanh bánh tét chứa khoảng 880 calo. Trong khi đó, một ngày người trưởng thành mỗi bữa ăn chỉ cần dung nạp khoảng 667 calo (nếu ăn đủ ba bữa). Như vậy, mỗi người lính của Hoàng đế Quang Trung chỉ cần ăn hai khoanh bánh tét đồng nghĩa với việc vượt ngưỡng calo trong 1 bữa ăn.
Chính những người chỉ huy quân Thanh lúc bấy giờ như Tôn Sĩ Nghị cũng không thể tin nổi nghĩa quân Tây Sơn có thế đến Thăng Long nhanh như vậy. Sự chủ quan của địch cũng đã góp một phần vào chiến công vang dội của Hoàng đế Quang Trung.
Kế hoạch hành quân, tấn công chớp nhoáng vào địch quân là một binh pháp kỳ tài của Hoàng đế Quang Trung. Trong chiến thắng quân xâm lược Mãn Thanh (Tết Kỷ Dậu năm 1789), Hoàng đế Quang Trung đã chia quân làm 3 đạo hành quân thần tốc khiến giặc bất ngờ, bị động nên đại bại. Nói về điều này, sách Hoàng Lê nhất thống chí viết “Người Tây Sơn hành quân như bay tiến quân rất gấp, xem họ đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp”.
Trong lịch sử thế giới, thực phẩm đã được bảo quản bằng cách sấy khô, hun khói và ngâm muối. Nhưng các lựa chọn này không khả thi để nuôi sống một quân đội lớn với nhiều loại thức ăn khác nhau, chưa kể đến việc những phương pháp bảo quản này sẽ ảnh hưởng đến vị giác các binh sĩ. Các món ăn bảo quản theo cách này có vị thật tệ.
Dưới thời Hoàng đế Napoleon Bonaparte, nước Pháp đang có chiến tranh với Ý, Hà Lan, Đức và vùng Caribe. Binh lính và thủy thủ Pháp đi xa thực sự rất cần nguồn thực phẩm ổn định và dự trữ được lâu. Vào năm 1800, Napoleon treo thưởng 12000 franc cho bất cứ ai có thể đưa ra một phương pháp mới để bảo quản thực phẩm trong quá trình quân đội hành quân. Vào năm 1810, nhà phát minh người Pháp Nicolas Appert đã giành được giải thưởng của Napoleon khi sáng chế ra cách bảo quản thực phẩm bằng cách cách ly với không khí. Appert cho rằng, việc tiếp xúc với không khí khiến cho thực phẩm nhanh hỏng và ông đã cố gắng để loại bỏ chúng. Sau này, Nicolas Appert trở thành “cha đẻ của ngành đồ hộp”. Đồ hộp dần trở thành nguồn thực phẩm nuôi sống các đội quân khổng lồ trong các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Việc Hoàng đế Quang Trung để quân lính mang theo những đòn bánh tét bên mình khi hành quân không chỉ giúp việc hành quân nhanh chóng; quân lính có thức ăn thơm ngon, đủ dinh dưỡng mà còn có thể bảo quản được thực phẩm cho toàn quân được dài ngày. Sáng kiến của Hoàng đế Quang Trung có thể nói là đi trước thời đại.