Cậu bé Đinh Văn K'Rể người dân tộc Hơ rê ở xã Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) 10 tuổi nhưng chỉ cao 62 cm, nặng chưa đầy 4 kg. Sau 4 năm, từ ngày gặp được thầy giáo Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Ba cuộc sống của K’rể đã có nhiều đổi khác.
Hành trình thay đổi đó của cậu bé được VTV ghi lại từ những ngày đầu tiên đến bây giờ và phát sóng trên VTV đặc biệt tháng 9/2019.
Quay ngược về quá khứ 4 năm trước, trong một chuyến đi vận động học sinh đến trường, thầy giáo Đinh Văn Cương gặp K’Rể được mẹ đặt trong một cái gùi.
Cậu bé tí hon K’rể lên lớp với bạn bè. Ảnh: Hạ Anh
Thời điểm đó, cuộc sống của cậu bé này vô cùng chật vật, không biết nói, không thể giao tiếp với mọi người bình thường. Dân làng kỳ thị, không ai dám đến gần K’Rể. Hàng ngày, em tha thẩn một mình. Thân hình nhỏ bé, chỉ việc leo trèo cầu thang lên nhà thôi cũng trượt chân, ngã xuống đất như cơm bữa. Những lúc đó, em đau đớn, chỉ biết khóc ngằn ngặt. Ở nơi mà nhiều người vẫn còn quan niệm, con người tự sinh, tự diệt, em không nhận được sự quan tâm, chăm sóc. Có lẽ, nếu không gặp được thầy Cương, số phận K’Rể sẽ mãi im lìm nơi rẻo cao.
Cảm thương số phận bất hạnh của đứa trẻ, thầy Cương dặn gia đình cứ nuôi, khi nào đủ tuổi đi học thì đưa xuống trường, nếu ở với thầy được một ngày thì thầy sẽ nuôi. Cũng từ năm đó, thầy Cương đồng hành cùng em, đưa K’Rể ra Hà Nội khám bệnh, tìm hiểu nguyên nhân khiến em không thể lớn. Sức khỏe em kém, lượng máu lấy ra không đạt.
Để đủ lượng được máu xét nghiệm cho K’Rể, các bác sĩ phải lấy làm 4 lần. Mỗi lần ống tiêm đâm vào da thịt, em khóc ré lên, quằn quại trong vòng tay người cha nuôi. ‘Sau 2 lần rút, bác sĩ bảo nghỉ 1 tiếng mới rút tiếp. Trong thời gian đó, bác sĩ bảo tôi cho K’Rể vận động. Tôi khuyến khích K’Rể leo bậc thang, leo đi, leo lại nhiều vòng. Vậy mà khi tiếp tục vào rút tôi cảm giác như K’Rể hết sạch máu, bác sĩ phải cố nặn ra từng giọt’, thầy giáo Cương nghẹn ngào nói.
Qua các đợt kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán K’Rể mắc hội chứng hiếm gặp là Seckel (người lùn, đầu chim).
Căn bệnh lạ chỉ mới ghi nhận được 10 trường hợp trên thế giới. TS-BS Vũ Chí Dũng (Khoa chuyển hóa, nội tiết, di truyền - BV Nhi Trung Ương) cho biết: ‘Căn bệnh ủa K’Rể là hệ quả của hôn nhân cận huyết thống gây lên, thuộc dạng di truyền cực hiếm. Tuy nhiên, nếu vợ và chồng cùng mang gen, lấy người cùng huyết thống, tỉ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh này là rất lớn. Căn bệnh khiến trẻ hạn chế chiều cao, nguy cơ biến chứng, mắc các bệnh như tim mạch, suy tủy, ảnh hưởng cột sống, dây chằng lỏng lẻo… Nếu thấy K’Rể có hiện tượng tái xanh, chảy máu chân răng, không được chạy chữa kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng’.
Đưa K’Rể trở về Quảng Ngãi, lòng thầy Cương đè nặng lỗi lo âu, không biết con còn sống được bao lâu nữa. Nhưng thay vì suy nghĩ tiêu cực, thầy mang đến cho K’Rể những tháng ngày vui vẻ, chăm sóc K’Rể bằng tình yêu vô bờ bến của một người cha dành cho con.
‘Nếu nghĩ cháu sống không được bao lâu nữa mà từ bỏ cháu, không quan tâm thì lương tâm của những người làm giáo dục như tôi không cho phép’, thầy Cương tâm sự.
Thầy Cương tắm cho K Rể. Ảnh: HA
Từ năm 2016, K'Rể được đi học bán trú ở trường, chỉ về nhà vào dịp cuối tuần. Năm nay là năm thứ 4, bé K'Rể học lớp 1. Anh chàng bé hạt tiêu nhưng nghịch ngợm nhất lớp. Hòa nhập với cuộc sống ở trường nội trú, K’Rể đã hoàn thiện một số kỹ năng như: biết đi dép, biết mặc quần áo, vào nhà vệ sinh, bày tỏ cảm xúc của mình. Mỗi năm K'Rể đã tăng 0,2 kg. Em bắt đầu tập nói, dù chưa tròn vành, rõ tiếng nhưng nghe giọng của đứa con nuôi, lòng thầy Cương xiết bao hạnh phúc. Mỗi buổi tối, ngoài thầy Cương, có các bạn trong trường nội trú đến giúp đỡ, giúp K’Rể luyện tập. Cuối 2018, K’Rể có nhiều dấu hiệu không tốt về sức khỏe.
Nhiều lần thầy cô giáo phải thức trắng đêm vì em sốt không rõ nguyên nhân. Nỗi lo lắng về các biến chứng do căn bệnh Seckel ám ảnh, lởn vởn trong tâm trí thầy Cương. Không còn cách nào khác, thầy ôm K’Rể, vượt ngàn cây số ra thủ đô tái khám.
May mắn, các cuộc kiểm tra cho thấy em không gặp các biến chứng của căn bệnh quái ác kia. Cơ thể phục hồi sau trận ốm, hàng ngày K’Rể lại đến lớp, nô nghịch với các bạn. Đâu đó trong sâu thẳm thầy Cương lại nhen nhóm lên tia hi vọng. Hi vọng K’Rể tiếp tục kiên cường sống, cứ thế mà hạnh phúc, mà thỏa thích đùa nghịch. Với hai đứa con của thầy Cương, dù K’Rể có thân hình tí hon nhưng vẫn luôn là anh.
Những ngày đưa K’Rể về nhà thăm vợ con, khu phố nhà thầy Cương bỗng rộn ràng hơn thường ngày. Mọi người quây quần bên K’Rể, hát hò, chơi đùa. Nơi ấy, em được đùm bọc và chở che. Thân hình bé nhỏ, quần áo may sẵn không vừa, thầy Cương rong ruổi, đưa em đến từng cửa hàng đóng giầy, may quần áo, đặt cho cậu bé bộ đồ riêng. Em đến với cuộc đời bằng sự thiệt thòi nhưng đã sống thật hạnh phúc trong vòng tay người thầy - người cha nuôi giàu lòng nhân ái.
Theo Diệu Bình/Vietnamnet