Độc đáo miến dong Minh Hồng

Thứ sáu, 08/12/2017 14:47
(ThanhtraVietNam) - Về thăm thôn Minh Hồng những ngày đầu đông, chúng tôi cảm nhận được không khí hăng say, phấn khởi của bà con trong những ngày đầu thu hoạch vụ dong. Làm miến dong tại thôn Minh Hồng, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của bà con nơi đây. Hương vị thơm, ngon, dai và đặc trưng của miến dong Minh Hồng không phải ở địa phương nào cũng có được.

Vùng đất của dong riềng

Dong riềng (còn gọi là củ đót) là một trong những loại cây được trồng phổ biến ở nông thôn nước ta. Theo dược học cổ truyền, củ dong riềng vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, an thần, thường được dùng để chữa viêm gan vàng da, bệnh mãn tính, ho ra máu, ung nhọt... Cây dong riềng ở Minh Hồng được trồng quanh năm, nhưng chính vụ là từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, thu hoạch nhiều nhất từ tháng Chín âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Để nâng cao hiệu quả, người làm miến dong Minh Hồng đã đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất nên lượng miến đã tăng lên đáng kể.

leftcenterrightdel
 

Làm giàu nhờ miến dong

Thôn Minh Hồng hiện có 289 hộ gia đình, trong đó có 175 hộ làm tinh bột dong riềng với 162 máy chế biến. Sản lượng tinh bột dong riềng của thôn ước tính mỗi ngày khoảng 48.600kg. Trong thôn có 7 hộ chuyên sản xuất miến dong, mỗi ngày chế biến được khoảng 2,5 tấn miến, giải quyết việc làm cho 70 lao động. Miến dong là sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. 100% tinh bột làm miến là do người dân tự xay và được xuất bán đi các địa phương khác như Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Đà Nẵng...

Ông Nguyễn Ngọc Toàn – người làm nghề lâu năm ở thôn chia sẻ: “Làm miến dong quan trọng nhất là khâu lọc lấy tinh bột; phải lọc 3 lần nước thì tinh bột mới trong, nguồn nước phải sạch thì miến mới không bị sạn. Khi đánh bột phải pha theo tỷ lệ chính xác để  lúc tráng phải chín đều, sợi miến trong, dai, không gãy. Tất cả nguồn nước dùng để sản xuất miến đều được Chi cục An toàn an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Bà con cũng cam kết với chính quyền địa phương không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại trong quá trình sản xuất”.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ kĩ thuật lọc tinh bột miến dong. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm miến dong của bà con nơi đây ngày càng phát triển bởi nguồn thu nhập từ miến mang lại có thể gấp 15 – 20 lần so với làm nông nghiệp. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, 5 máy sản xuất miến dong cho tổng thu khoảng 1 tỷ đồng... Với nghề làm miến dong lâu đời, sản phẩm “miến dong Minh Hồng” xã Minh Quang đã góp phầm đem lại cuộc sống khá sung túc, đầy đủ cho đồng bào xã miền núi của huyện Ba Vì. Miến dong Minh Hồng đã được chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện, giá bán buôn miến dong tại Minh Hồng vào khoảng 50.000 đồng/kg. Nhờ nghề này mà nhiều hộ ở Minh Hồng có doanh thu hàng năm từ miến khoảng 250 triệu đồng.

Nghề làm miến đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở xã. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, đời sống sinh hoạt của các hộ gia đình đều được nâng cao, mua sắm đầy đủ tiện nghi và đầu tư cho con cái học hành đỗ đạt” – ông Hồng, Trưởng thôn Minh Hồng chia sẻ với PV.

leftcenterrightdel

Ông Hồng tự hào với sản phẩm quê hương.

Tạo thương hiệu cạnh tranh trên thị trường

Trước kia, việc sản xuất miến dong còn manh mún, chưa tập trung, thiếu diện tích để làm sân phơi, quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, lượng chất thải trong quá trình làm miến chưa có cách xử lý hiệu quả và chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nên sản xuất miến dong vẫn chưa được người dân làm nghề coi trọng. Bên cạnh đó là sự nhận thức về ý nghĩa, giá trị thương hiệu làng nghề của người dân cũng như việc quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu làng nghề của các cấp còn hạn chế. Vì vậy, việc sử dụng thống nhất một thương hiệu nhằm nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng” xã Minh Quang, huyện Ba Vì là một bước đi rất cần thiết.

Năm 2001, Sở Khoa học và Công nghệ (Hà Tây cũ) cấp Bằng công nhận làng nghề miến dong Minh Hồng. Để giúp làng nghề thêm phát triển, phòng Kinh tế huyện Ba Vì và UBND xã Minh Quang đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng” từ năm 2014. Sau một quá trình xây dựng, sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận vào ngày 12/4/2016. 

Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng” cho sản phẩm miến dong thôn Minh Hồng, xã Minh Quang được xác lập, tổ chức quản lý và khai thác sẽ góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển một làng nghề chế biến nông sản có truyền thống lâu đời của huyện Ba Vì. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cũng như góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội.

                                                                                                                        PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra