Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần của người Việt từ hàng ngàn năm qua. Với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, trâu được người nông dân coi như bạn thân. Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Ông cha ta từ xưa đã có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” để nói lên vị trí, vai trò quan trọng của trâu đối với đời sống nông nghiệp. Trong lao động sản xuất, người nông dân còn đúc kết kinh nghiệm dân gian từ hình tượng con trâu, vào thời khắc đón giao thừa, giữa không gian trời đất giao hòa thiêng liêng ấy người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.
Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, mô típ sừng trâu trong văn hóa người Việt còn là biểu tượng của hình ảnh vành trăng lưỡi liềm liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, cầu mưa của người Việt. Da trâu bịt mặt trống, khi cầu mưa người ta đánh trống để giả tiếng sấm.
Sừng trâu còn là biểu tượng sức mạnh của nhiều đồng bào dân tộc. Người xưa đã chế tác sừng trâu thành chiếc tù và dùng để báo động và kích thích quân sĩ khi lâm trận. Đồng bào dân tộc Dao ở Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động (Bắc Giang) còn dùng tù và để gọi Bàn Vương trong nghi lễ cấp sắc.
Lễ hôi xuân ngưu hay còn gọi là lễ tiến xuân ngưu là nghi lễ cung đình quan trọng ở Thăng Long từ thời nhà Lý và được duy trì đến thời Nguyễn. Lễ tiến xuân ngưu được tổ chức vào ngày lâp xuân hàng năm. Đây là lễ hôi tiến con trâu bằng đất để tống khí lạnh của mùa đông và đón khi ấm áp của mùa xuân đang tới. Lễ tiến xuân ngưu có 2 phần: Lễ tống tiễn mùa đông và lễ lập xuân. Trong lễ hội xuân ngưu của người Việt, trâu là biểu tượng của mùa xuân, của sự tái hồi.
Thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV), vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền. Có một khu ruộng dành riêng để làm nghi lễ này. Trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực, nuôi theo chế độ riêng. Ngày làm lễ, vua bước xuống ruộng cày và đường cày có tính tượng trưng cho một năm cày cấy "phong đăng hòa cốc", mùa vụ tốt tươi. Lễ hội Tịch điền đem theo thông điệp như lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ ngày nay, cần phải nhớ đến công ơn của cha ông trong việc khai phá ruộng đồng, trồng cấy lúa ngô, hoa màu, chú trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp. Lễ hội diễn ra vào đầu năm với mong muốn cầu an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để người nông dân có một năm được mùa, giúp cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Con trâu được quý trọng là vậy, nên một số vùng nông thôn nước ta có tục lệ là làm Tết Trâu ở các vùng Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Trước Tết vài hôm, người ta tìm các thứ cỏ thật ngon, chọn mớ rơm được nắng để thưởng trâu ngày Tết. Trâu được tắm rửa sạch sẽ, chuồng trại được dọn dẹp chu đáo. Sáng mùng 1 Tết, mỗi con trâu được dán trước trán 1 lá bùa bằng giấy hồng điều để "trừ tà yểm quái", xua đuổi vận hạn năm cũ, cầu cho trâu sang năm mới được bình an, vô sự, ăn no, cày khỏe. Sau khi cúng "thần chuồng", trâu được ăn cỗ, được nếm các món bánh chưng, bánh gai, thịt, cá hay xôi chè... Và chọn "ngày tốt lành" người ta dắt trâu đi dạo một vòng để trâu... thưởng xuân, đồng thời ướm vai cày cho trâu để lấy may.
Con trâu từ cuộc sống thực tế gắn với người dân nông nghiệp đã đi vào lĩnh vực văn hóa tinh thần tâm linh. Việc thờ trâu, tế trâu trong lễ hội dân gian ở nhiều vùng trên cả nước còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân. Với vai trò ấy mà biểu tượng trâu đã đi vào năm, tháng, ngày, giờ trong lịch mười hai con giáp của người Việt. Theo lịch can chi của phương Đông thì chu kỳ khép kín với 12 con số, số thứ hai là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Giờ Sửu được tính từ 1 đến 3h đêm, là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, thế nhưng con trâu lại thức lặng lẽ nhai lại. Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết.
Ngoài ra, trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu... Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có lẽ là nổi tiếng nhất. Dù ai đi đâu về đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về. Lễ hội là một phong tục tín ngưỡng để tạ ơn Thần Biển của người dân ở đây. Những con trâu khỏe mạnh nhất sẽ ra chọi với nhau để tìm ra con giành chiến thắng. Con trâu này sẽ đem giết để cúng thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa.
Trong ca dao dân ca, trâu được nói đến nhiều vì trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt ở nông thôn. Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ... đều có mặt trâu. Trong nhiều câu ca dao, tục ngữ, hình ảnh trâu còn xuất hiện để răn dạy người đời, hoặc truyền đạt các kinh nghiệm sống như: Làm ruộng phải có trâu/ Làm dâu phải có chồng; Tậu trâu xem vó, lấy vợ xem nòi; Làm ruộng không trâu như làm giàu không thóc; Một trâu anh sắm đôi cày/Một anh hai vợ có ngày oan gia/Tan đàn xẻ nghé không xa!; Có cưới thì cưới con trâu/Đừng cưới con nghé nàng dâu không về; Vợ dại thì đẻ con khôn/Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm; Trâu chậm thì anh bán đi/Rựa cùn đánh lại, vợ thì làm sao.
Trâu thân thiết là thế, có sức khỏe, hiền lành là thế nên được người nông dân rất tín nhiệm: Trâu gầy vẫn tầy bò khỏe; Yếu trâu hơn khỏe bò; Thà chết ở vùng chân trâu/Còn hơn chết rụi ở khu đĩa đèn; Trâu ta ăn cỏ đồng ta/Tuy là cỏ vét nhưng là cỏ thơm...
Đời sống tinh thần và lao động sản xuất của người Việt Nam đã ghi nhận vai trò không thể thiếu của con trâu từ xa xưa đến nay. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù, khỏe mạnh gắn liền với lũy tre làng là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt từ ngàn năm qua.
Theo HN/Dangcongsan.vn