Trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, Hà Nội liên tục xuất hiện các vụ bắt chẹt khách du lịch nước ngoài. Nào là việc 3 mẹ con một du khách người Úc đi xích lô chừng 5km bị ép phải trả 1,3 triệu đồng. Rồi thì 3 du khách người Pháp bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn câu kết lừa đảo hay mới nhất là 1 cặp vợ chồng người Úc đi taxi quãng đường 7km phải cắn răng trả 980.000 đồng cho dù đồng hồ tính tiền chỉ hiển thị 98000 đồng.
Dĩ nhiên, những vụ làm giá thế này sẽ giúp những kẻ trong cuộc thu được một món lợi nhất định. Thế nhưng, có lẽ những kẻ này không đủ hiểu biết hoặc cố tình quên đi rằng món lợi cá nhân mà họ thu được chẳng bõ bèn gì so với cái hại chung cho cả ngành du lịch, nói rộng ra là cho cả đất nước. Hàng năm chúng ta phải bỏ ra hàng triệu US D để quảng bá cho ngành du lịch nước nhà trên bình diện quốc tế. Một vài phút được có mặt trên những kênh truyền hình hàng đầu thế giới như CNN đều rất quý giá. Nói một cách dân dã, đấy là những nỗ lực nhằm “mua danh” của chúng ta, để giúp ngành du lịch Việt Nam được biết đến và trở thành sự lựa chọn của bạn bè quốc tế.
|
Xích lô Việt Nam "chặt, chém" khách du lịch (ảnh mang tính chất minh họa) |
Trong khi đó, ở chiều ngược lại thì những hành động “chặt, chém” khách quốc tế như vừa qua chẳng khác nào một hành động “bán danh”, tự khiến chúng ta mất điểm trước du khách. Có thể thấy những vụ “làm thịt” khách nước ngoài này diễn ra ở mọi lĩnh vực có liên quan đến du lịch: từ phương tiện đi lại thô sơ, truyền thống của Việt Nam là xích lô, rồi cho đến taxi và cả dịch vụ khách sạn. Như vậy, không hiểu du khách sẽ nhìn nhận về du lịch Việt Nam như thế nào? Liệu họ có còn muốn quay lại nước ta một lần nữa hay sẽ khuyên ngăn bạn bè, người thân đừng nên quay lại mảnh đất đáng sợ ấy. E rằng, khả năng thứ 2 là nhiều hơn. Đúng là “mua danh thì bạc tỷ, mà bán danh thì vài trăm nghìn”.
Không chỉ có ngành du lịch có chuyện “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, mà người anh em bóng đá (vì cùng thuộc ngạch Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cũng có hiện tượng tương tự. Khi VPF ra đời người ta đã kì vọng rất nhiều vào công ty này, hi vọng nó sẽ trở thành bước ngoặt giúp bóng đá nước nhà phát triển, thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Nhìn lại hơn 1 năm đã qua thì tâm lực mà các thành viên của VPF bỏ ra quả thực là không nhỏ, đồng thời họ cũng đã thu được những thành tựu nhất định (dù chưa lớn). Ấy vậy mà, niềm tin mà VPF phải mất rất nhiều công sức để gây dựng ấy lại có nguy cơ đổ xuống sông xuống biển. Khi mà mới đấy, Chủ tịch VPF ông Võ Quốc Thắng vừa chính thức trở thành Chủ tịch HĐQG Ngân hàng Kiên Long.
Trên làm sai, bảo dưới ai nghe?
Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu Ngân hàng Kiên Long không phải là nhà tài trợ chính đồng thời gắn tên với CLB Kiên Long Bank Kiên Giang. Trước đó, ông Võ Quốc Thắng đã danh chính ngôn thuận là Chủ tịch của CLB Đồng Tâm Long An. Như vậy, ở khía cạnh nào đó, chính Chủ tịch của VPF lại là người ở trong tình trạng 1 ông bầu 2 đội bóng. Tất nhiên, ông Võ Quốc Thắng lí giải rằng Ngân hàng Kiên Long chỉ là nhà tài trợ chính chứ không phải chủ sở hữu của CLB Kiên Long Bank Kiên Giang, giống như cách bầu Hiển đã nói về SHB Đà Nẵng. Thế nhưng, rõ ràng ai cũng biết bầu Hiển là chủ thực sự của cả Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Và câu chuyện với bầu Thắng về bản chất cũng chẳng khác nhiều với bầu Hiển. Lẽ ra là người đứng đầu VPF, ông Thắng phải là người gương mẫu nhất.
Bây giờ, còn ai đặt niềm tin vào VPF. Đơn giản bởi khi chính tay mình còn “không sạch” thì còn nói được ai?
Theo Đức Phan
Tri thức trẻ