Nhàn đàm về thư pháp

Thứ bảy, 17/02/2018 06:28
Thiếu thư họa thì ngày Tết cũng kém đi sự thú vị, tao nhã và ý nghĩa về khía cạnh đời sống văn hóa tinh thần.

Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, cùng với các phong tục ẩm thực, có nhiều thú chơi cây hoa, trò chơi dân gian, diễn xướng, nhưng thiếu thư họa thì ngày Tết cũng kém đi sự thú vị, tao nhã và ý nghĩa về khía cạnh đời sống văn hóa tinh thần. 

Người xưa có câu "Thứ nhất chơi chữ, thứ nhì chơi tranh", hẳn có cái lý của nó. Chơi chữ ở đây, được hiểu là nghệ thuật Thư pháp, mà cụ thể hơn là nghệ thuật viết chữ Hán, cùng với hàm ý chứa đựng trong chữ nghĩa, còn có nghệ thuật thể hiện như một bức tranh; thậm chí còn có cả nghệ thuật vẽ tranh (thủy mặc với các chủ đề sơn thủy, hoa điểu, cây thú, các điển tích ...) trong cùng một tác phẩm, ấy là thư họa.

leftcenterrightdel
 Bài thơ thiền " Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư thời Lý do Nguyễn Tường Khải thủ bút.

Trước hết, nghệ thuật thư pháp là dựa trên nền tảng chữ Nho (chữ Hán), vốn cấu trúc cơ bản có tính tượng hình, hội ý, nên tự thân đã mang tính chất đồ họa rồi. Đấy là cơ sở để người Trung Hoa sáng tạo ra nghệ thuật thư pháp, rồi theo đó, cũng với sự chi phối về văn hóa nói chung, đã có sự lan tỏa sang các nước và vùng lãnh thổ đã, đang và từng sử dụng chữ Hán và nền giáo dục khoa bảng như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Hongkong, Macau, Singapore...

Với Trung Quốc, quốc gia sáng tạo ra nghệ thuật thư pháp, người ta đã tìm thấy dấu vết của bộ môn nghệ thuật này từ thời cổ đại, trên mai rùa, hang động, mộ cổ v.v... Sau này, người được nhắc nhiều và đem lại dấu ấn trong nghệ thuật thư pháp đầu tiên là Lý Tư, vị Tể tướng dưới triều đại Tần Thủy hoàng. Kế tiếp, là những cái tên như Âu Dương Tuân, Chử Toại Lương, và huy hoàng nhất là Vương Hy Chi đời Đông Tấn, với tác phẩm thư pháp trứ danh là Thiếp Lan Đình, được người đời xem là đệ nhất thư pháp Đông Tây kim cổ. Cùng đó, là những thư pháp gia nổi tiếng như Trương Húc, Liễu Công Quyền, Nhan Chân Khanh, Triệu Mạnh Phủ, Mễ Phất, Hoàng Đình Kiên, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương, Trịnh Bản Kiều... Các hoàng đế Trung Hoa cũng nhiều người có tài thư họa, mà điển hình là Tống Huy Tông (đời Tống), Khang Hy, Càn Long (đời Thanh).

leftcenterrightdel
 Nhà thư pháp Thạch Sơn Nguyễn Tường Khải thủ bút Thiếp Lan Đình của Vương Hy Chi theo nguyên  mẫu Hành Thảo.

Riêng Việt Nam, thời Bắc thuộc, sử sách cũng có ghi chép ít nhiều về nghệ thuật thư pháp, sau khi Thái thú Sĩ Nhiếp (Nam Giao học tổ) truyền bá chữ Hán vào nước ta, tuy nhiên, chưa có thư pháp gia tiêu biểu nào. Rõ nét nhất, phải bắt đầu từ thời Lý - Trần với các nhà thư pháp Hàn Nôm tiêu biểu như vua Lý Nhân Tông, Thiền tăng Thích Thiệu Tuệ, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Phàm Hàm; các Hoàng đế thời Trần là Trần Duệ Tông, Trần Hiến Tông; Lê Hiến Tông rồi các triều đại kế sau là Lê - Mạc như Lê Thánh Tông đều là các thư pháp gia.

Có thể kể đến những thư pháp gia nổi tiếng là Nguyễn Tùng, Bùi Sĩ Nho, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Huy Oánh; đến thời Nguyễn thì thư pháp gia nở rộ, từ các vị vua là Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, đến các quan lại, nhà Nho như Ngô Thì Vị, Trần Cân, Cao Bá Quát, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Tư Giản, Bùi Dương Lịch, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Thuật, Ngô Thế Trạch, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Khuyến, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, v.v...

leftcenterrightdel
 Một phần tác phẩm thư pháp trứ danh Thiếp Lan Đình của Đệ nhất Thư pháp gia Vương Hy Chi (đời Đồng Tấn) do Nguyễn Tường Khải thủ bút theo nguyên mẫu.

Sau này, bẵng đi một thời gian dài, với sự phổ biến phổ thông của chữ Quốc ngữ, và ngoại ngữ là tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, thì chữ Hán (cùng với sụ suy thoái của nền giáo dục khoa bảng nói chung) thì chữ Hán dần bị xao nhãng. Thêm nữa, các cuộc cách mạng, chiến tranh chống ngoại xâm (Pháp, Mỹ), thì không mấy ai còn nói đến thư pháp Hán Nôm nữa, kể cả mỗi dịp Tết Nguyên đán. Người ta chỉ lo sắm sửa bánh chưng, giò chả, hoa đào, hoa mai, chứ không quan tâm đến câu đối, xin chữ đầu năm. Vậy nên, bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên mới làm người ta xao lòng đến vậy: “Mỗi khi hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bầy mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua... / Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? “...

Cuộc sống dần no đủ, chiến tranh đã qua lâu, như người xưa nói,  Phú quý sinh lễ nghĩa, nhiều phong tục chơi xuân, chơi Tết dần phục hồi như chọi gà, cờ người, múa lân,...thì phong tục văn hóa chơi câu đối, tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, xin chữ đầu năm cũng hồi sinh...

Thoạt đầu, đó đây, người ta thấy xuất hiện tác phẩm thư pháp của các nhà Hán Nôm như Tào Mạt, Nguyễn Văn Bách, Lê Xuân Hòa... rồi nữa, một số người viết thư pháp bắt đầu xuất hiện bên hè phố cổ, phố cũ, cho chữ vào mỗi dịp xuân tết như Lam Sơn Hồng Thanh, Cung Khắc Lược,... Sự xuất hiện của nhà thư pháp trẻ Lê Quốc Việt, cùng nhóm Thư pháp Tiền vệ của ông đồ trẻ này, đã đem đến sân chơi thư pháp một sinh khí mới, khiến nhiều người trẻ tuổi theo học thư pháp, mà các cụ đồ già cũng phải luyện chữ thêm để không bị tụt hậu sau cánh trẻ. Dần dà, kéo theo nhiều ông đồ vốn từng học chữ Hán, tưởng vốn chữ ấy cất kỹ vào kho, thì nay lôi ra, ngồi luyện bút lông, mực Nho, để mỗi dịp năm mới tràn ra tường ngoài Văn Miếu ngồi cho chữ...

leftcenterrightdel
Lạc Nghiệp (nghĩa là Vui Nghề) Nguyễn Tường Khải thủ bút tặng tác giả Nguyễn Chu Nhạc. 

Tôi có biết chút chữ Nho, chủ yếu tự học từ gốc rễ nhà Nho của gia đình, mươi năm nay, cũng tập tọng bút lông, chủ yếu là luyện chữ, học thư pháp qua sách vở, đặng để mỗi dịp Tết cổ truyền, tự viết cho mình làm vui, hoặc tặng cho người thân và bạn bè mà thôi. Bản thân yêu nghệ thuật thư pháp, nên tôi tự sưu tầm, gom góp cho mình được vài chục bức thư họa, của Trung Hoa có, của các ông đồ xứ ta có.

Gần đây, tôi có giao du với vài ba nhà thư pháp, thấy thích mà làm quen thôi, trong số đó, tôi thân với nhà thư pháp Thạch Sơn Nguyễn Tường Khải (ông đồ này quê Thạch Thất, Sơn Tây, nên lấy hiệu là Thạch Sơn). Ông tuổi nhỉnh hơn tôi chút, hồi đại học từng học Trung Văn, công tác nhì nhằng, rồi nghỉ hưu, khi tiếng Anh lên ngôi, tiếng Trung, tiếng Nga thất thế, tưởng chẳng có việc gì làm, nhưng rồi, vốn chữ nghĩa và kiến văn của ông lại được trưng ra với đời, nhờ sự hồi phục của tục lệ xin chữ đầu năm.

Tôi quý Nguyễn Tường Khải, ở chỗ, không như nhiều ông đõ khác, chỉ đợi mỗi dịp xuân tết thì ra ngồi cho chữ với vốn liếng vài chục câu chữ đại tự quen thuộc, ông đã mầy mò, luyện chữ bằng cách thủ bút thư pháp những bài thơ Hán Nôm nổi tiếng xưa nay, như Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư, Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, ... thậm chí, ông còn thử sức với Thiếp Lan đình nổi tiếng theo mẫu hành thảo của Vương Hy Chi xưa ... Tôi còn được biết, Thạch Sơn Nguyễn Tường Khải đã từng  được nhờ thủ bút bài thơ Hán Nôm tặng một lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước vào dịp Tết Bính Thân ( 2016 )...

Có lần, Thạch Sơn Nguyễn Tường Khải nhẩn nha tâm sự rằng "Nhu cầu con người ta là vô hạn, thỏa mãn nhu cầu về vật chất đã khó, song thỏa mãn nhu cầu về hưởng thụ văn hóa còn khó hơn ..."

Tôi hiểu, nhà thư pháp Nguyễn Tường Khải muốn đặt cái nghiệp "cho chữ" mà ông đang đeo đuổi vào hoàn cảnh này!... Giờ thì ông và các ông đồ bạn hữu đang thỏa sức vung bút như rồng bay phượng múa nơi Hồ Văn, Văn Miếu dịp xuân Mậu Tuất này, đem lại niềm hứng khởi tinh thần cho mọi người!

 

Theo Nguyễn Chu Nhạc/VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra