Nhận diện hồng Trung Quốc

Chủ nhật, 03/11/2013 07:26
Vào mùa vụ hơn tháng nay và kéo dài đến Tết, trái hồng đang được bày bán nhiều trên thị trường, hầu hết được người bán giới thiệu là hồng Đà Lạt, giá từ 25.000 - 40.000đ/kg.

 

Nhiều người tiêu dùng không phân biệt Hồng Đà Lạt  hay Trung Quốc (nguồn internet)

Vì có nhiều loại hồng khác nhau nên người tiêu dùng (NTD) lo ngại mua nhầm hồng Trung Quốc (TQ). Ngoài ra, nhiều loại hồng để lâu chỉ mềm chứ không hư khiến NTD hoài nghi hồng bị thúc chín, bảo quản bằng hóa chất.

Chị Ngọc Hường - trưởng ngành hàng trái cây chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết thị trường có loại hồng chín xuất xứ TQ vỏ màu đỏ sẫm trông rất bắt mắt. Loại này có hình dáng dài, nhọn giống hồng trứng của Đà Lạt, nhưng hồng Đà Lạt vỏ vàng cam. Khi ăn sẽ thấy sự khác biệt: hồng TQ cũng ngọt nhưng bọng nước, không thơm, trong khi hồng chín Đà Lạt ăn ngọt, dẻo, thơm. Thời gian này, có loại hồng giòn, trái vuông là hồng TQ, giá chỉ từ 25.000 - 30.000đ/kg. Loại này để được cả tuần, trong khi hồng ngâm Đà Lạt để lâu sẽ bị mềm, hỏng, giá 40.000 - 50.000đ/kg.

Riêng hồng Đà Lạt có hơn chục loại, nhưng thị trường đang bán phổ biến khoảng ba-bốn loại. Nhìn tổng thể, hồng được phân ra hai loại: hồng chín mềm và hồng xanh, giòn. Theo chị Nga, thương lái trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), thực tế, loại hồng xanh nào cũng qua khâu ngâm nước sạch hoặc nước vôi. Còn hồng chín thì qua khâu ủ khí đá nên bằng cảm quan, ngay cả người bán cũng khó nhận biết. Nhưng khi ăn thì loại hồng thúc chín bằng hóa chất dù quả chín đều, màu vỏ đẹp nhưng vị nhạt, chát chứ không ngọt, thơm. Hồng ngâm vôi bên ngoài vỏ có lớp phấn trắng, khác với loại hồng TQ thường được tiêm hóa chất thẳng vào cuống, nên phần cuống thường bị thâm đen, thối dần. Ngoài ra, thị trường còn có hồng Hà Nội (hồng Bắc) trái nhỏ, vỏ màu vàng xanh (sống) và vàng cam (chín), giá 40.000 - 60.000đ/kg.

Thị trường đang chuộng loại hồng trứng không hạt của Đà Lạt (đầu trái bằng, hơi vuông). Qua ủ khí đá, hồng sẽ chín ngọt, dẻo, thơm; qua ngâm nước giếng hoặc nước vôi, hồng sẽ giòn, ngọt, không bị chát. Ngoài ra, còn có loại hồng Tám Hải (trái vuông, cao), người bán thường gọi là hồng chén. Hồng chín mua về nên ăn ngay, nếu để qua ngày, nên cất trong tủ lạnh nhưng cũng không quá ba-bốn ngày, vì hồng sẽ bị nhũn, giảm độ ngọt. Còn hồng xanh để lâu sẽ bị mềm, mất độ giòn, ăn không ngon.

Theo Nguyễn Cẩm

Phunuonline

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra