Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã chủ động nắm tình hình địa bàn, các điểm mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đất lâm nghiệp, đời sống, sản xuất vùng đồng bào dân tộc để kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt, đã cử 01 đồng chí Lãnh đạo Ban tham gia Tổ công tác của tỉnh để rà soát, nắm tình hình, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh, trong đó có vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp tại thôn Khe Táu, xã Yên Định, huyện Sơn Động với một số hộ dân thôn Đá Vách, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn.
Ban Dân tộc hướng dẫn, chỉ đạo các huyện tổng hợp báo cáo tổng kết việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn; khảo sát, đề xuất HĐND tỉnh xây dựng Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2022-2025.
Đời sống bà con DTTS thôn Lừa, xã An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang có nhiều đổi thay nhờ được hỗ trợ qua các chính sách của Nhà nước. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch về việc tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang đến năm 2025. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo đúng Kế hoạch số 476/KH-UBND ngày 03/02/2021 về việc tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh đến năm 2025.
Đáng chú ý, Ban Dân tộc đã chủ động xây dựng dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trình HĐND tỉnh. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, đây sẽ là căn cứ phân bổ vốn thực hiện chương trình đảm bảo đúng mục tiêu, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho những xã, thôn bản khó khăn nhất. Đồng thời, nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; làm căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn được Ban Dân tộc tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả. Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức hoàn thành 12 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi cho gần 800 đại biểu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính tri, trật tự an toàn nơi đây.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất về công tác tổ chức triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Ban hành Quyết định và tiến hành thanh tra Chương trình 135 trên địa bàn các xã Đại Thành, Hương Lâm, Mai Đình, Hòa Sơn, Thanh Vân, Hợp Thịnh, Hoàng Thanh, Đồng Tân của huyện Hiệp Hòa giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19, Đoàn thanh tra đã tạm dừng việc thanh tra trực tiếp tại cơ sở.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng ban Ban Dân tộc đã quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch Covid-19.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, Ban Dân tộc thường xuyên quan tâm tổng hợp các trường hợp F0 là người DTTS trên địa bàn các huyện, đề nghị Ủy ban Dân tộc hỗ trợ. Đến ngày 30/7/2021, toàn tỉnh có khoảng 637 trường hợp F0 là người DTTS, Ủy ban Dân tộc đã hỗ trợ 166 trường hợp F0 là người DTTS với kinh phí là 332 triệu đồng (02 triệu đồng/01 người).
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang còn triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ chuyên môn khác, như: Đôn đốc, chỉ đạo các huyện đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình 135 năm 2020 và triển khai thực hiện các dự án, chính sách dân tộc năm 2021; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Dân tộc; ký kết Chương trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025…/.
Nguyên Khôi