Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS&MN

Thứ hai, 30/08/2021 15:11
(ThanhtraVietNam) - Ở Việt Nam, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh cho Nhân dân được phân thành 4 tuyến chuyên môn, kỹ thuật gồm: Tuyến trung ương; tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tuyến xã, phường, thị trấn. Tuyến xã, phường, thị trấn là tuyến y tế cơ sở bao phủ rộng khắp các địa bàn trong cả nước, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2019, cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5 % trạm có bác sĩ khám chữa bệnh; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96% và gần 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhờ vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, ở các vùng DTTS&MN, tỷ lệ xã có trạm y tế xã đạt chuẩn còn thấp (chiếm 45%); chỉ có 69,2% số trạm y tế ở vùng đồng bào DTTS&MN có bác sỹ khám chữa bệnh cho người dân và chỉ 20% trạm y tế xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011-2020.

leftcenterrightdel
Tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh năm 2019 đạt 43,7%, thấp hơn 1,1 điểm % so với năm 2015 (44,8%). Nguồn ảnh: Ủy ban Dân tộc 
Sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT)

Việc phòng, tránh thai giúp chủ động trong việc sinh đẻ của phụ nữ như chủ động về thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Phòng, tránh thai cũng sẽ giúp hạn chế số con, không sinh quá nhiều để có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn; nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi hộ gia đình; bảo đảm mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ đã sẵn sàng để nuôi dạy chúng. Ngoài ra, phòng, tránh thai có thể tránh được một số tai biến sản khoa và tránh được một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc tránh thai là trách nhiệm của cả nam và nữ, tuy nhiên trong thực tế, trách nhiệm này vẫn đang do phụ nữ đảm nhiệm. Trong số 53 DTTS, có 27/53 DTTS có tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi đang sử dụng các BPTT, tỷ lệ trên 50%; 23/53 DTTS có tỷ lệ từ 40-50% và 3/53 DTTS có tỷ lệ dưới 40%. Phụ nữ dân tộc Hoa đang sử dụng BPTT ít nhất, chỉ có 29,9%.

Chăm sóc phụ nữ khi mang thai

Chăm sóc khi mang thai và hỗ trợ sinh đẻ là điều kiện quan trọng đảm bảo sức khỏe cho thai phụ cũng như trẻ sơ sinh, việc khám thai và sinh đẻ tại các cơ sở y tế sẽ đảm bảo sự an toàn của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong thời gian qua, ngành y tế đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở các vùng DTTS&MN như hỗ trợ nữ hộ sinh, y sỹ sản nhi của trạm y tế xã; đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số; cung cấp gói đỡ đẻ sạch; đẩy mạnh thực hiện dự án “Làm mẹ an toàn”.

Tuy nhiên, theo Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ DTTS 10-49 tuổi khi mang thai đến cơ sở y tế thăm khám đạt 88,0%, tăng +17,1% so với năm 2015 (70,9%). Như vậy, tỷ lệ phụ nữ DTTS được khám thai tại cơ sở y tế chỉ còn thấp hơn -2,7% so với tỷ lệ chung của cả nước (năm 2018 là 90,7%). Đồng thời, khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng kinh tế - xã hội đã dần được thu hẹp, xuống dưới 5%.

Trong các DTTS, 28/53 DTTS có tỷ lệ phụ nữ 10-49 tuổi khi mang thai đến cơ sở y tế thăm khám đạt trên 90% (tương đương với tỷ lệ chung của cả nước), trong đó có 4 dân tộc đạt 100% là Ngái, Pu Péo, Ơ Đu và Rơ Măm. Có 16/53 DTTS có tỷ lệ này từ 70-80% và 8/53 DTTS đạt từ 60-70%. Chỉ còn duy nhất La Hủ chỉ có 45,3% phụ nữ DTTS 10-49 tuổi khi mang thai đến cơ sở y tế thăm khám.

Sinh con tại cơ sở y tế và sinh con tại nhà

Phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế do nhân viên y tế có năng lực và kỹ năng hộ sinh là yếu tố quan trọng làm giảm các rủi ro cho sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Mặc dù Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới +22,8% so với năm 2015 (63,6%); tuy nhiên, mức chênh lệch về tỷ lệ này giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn vẫn khá lớn -12,8% (thành thị là 98,0% và nông thôn là 85,2%). Đồng thời, mức độ chênh lệch giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng khá lớn; Tây Nguyên có tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế là 84,2%, thấp hơn tới -14,2 điểm % so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (98,4%). Trong các DTTS, có 30/53 DTTS có tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt từ 90% trở lên, trong đó có 4 dân tộc đạt 100% là Ngái, Chu Ru, Pu Péo và Ơ Đu. Có 15/53 dân tộc có tỷ lệ này từ 70-80% và 5/53 dân tộc đạt từ 60-70%. Tuy nhiên, vẫn còn 3 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt dưới 50% gồm Mông 49,6%, Mảng 44,5% và La Hủ 34,7%.

Do những nỗ lực của mạng lưới y tế cơ sở nên đã kéo giảm tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ năm 2019 xuống còn 9,5%. So với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm mạnh tới -26,8 điểm % (năm 2015 tỷ lệ này là 36,3%). Đặc biệt vẫn còn tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ như Mảng 50,6%, Cống 37,0%, La hủ 36,5% và La Ha 30%. Trường hợp dân tộc Mông, mặc dù tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà vẫn rất cao 50,3%, tuy nhiên tình hình đã cải thiện hơn khi 11,5% phụ nữ sinh con tại nhà đã được cán bộ chuyên môn giúp đỡ.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con thứ ba

Cũng theo Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát, có 202.054 phụ nữ DTTS trong độ tuổi từ 10-49 tuổi sinh con, chiếm xấp xỉ 5% trong tổng số phụ nữ DTTS trong độ tuổi từ 10-49 tuổi. Số phụ nữ sinh con thứ ba là 48.032 người, chiếm 23,8% trong tổng số phụ nữ sinh con trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát. Tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con thứ ba ở khu vực thành thị là 15,6%, ít hơn -9 điểm % so với khu vực nông thôn là 24,6%. Trong các vùng kinh tế - xã hội, Tây nguyên có tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con thứ ba cao nhất 31,1%, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng 28,3%. Khu vực có tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con thứ ba ít nhất là Đồng bằng sông Cửu Long 18,8%.

Trong các DTTS, có 4 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trên 40% gồm Mảng 57,3%, Chứt 48,0%, Bru Vân Kiều 41,9%. Có 16/53 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba ở mức từ 30-40%; 18/53 dân tộc từ 20% - 30% và 15/53 dân tộc có tỷ lệ này dưới 20%, đặc biệt trong số này có 02 dân tộc là Ơ Đu và Brâu không có trường hợp phụ nữ sinh con thứ ba.

Khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)

Ở nước ta, những năm qua, người DTTS sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được Nhà nước đóng BHYT và có mức hưởng là 100% chi phí khám chữa bệnh theo BHYT.

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người DTTS tham gia BHYT đạt 93,5%; trong đó khu vực thành thị là 86,6%, thấp hơn -7,8% so với khu vực nông thôn là 94,4%. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ tham gia BHYT. Trong các vùng kinh tế - xã hội, chỉ có Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có tỷ lệ người DTTS tham gia BHYT ở mức dưới 90%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước. Các vùng còn lại đều có tỷ lệ người DTTS tham gia BHYT ở mức trên 90% và cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Trong các DTTS, có 39/53 DTTS có tỷ lệ tham gia BHYT đạt từ 90% trở lên, 12 dân tộc có tỷ lệ tham gia BHYT từ 80% - 90%. Xtiêng và Brâu có tỷ lệ tham gia BHYT thấp nhất, tương ứng là 71,8% và 39,3%.

Tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh năm 2019 đạt 43,7%, thấp hơn 1,1 điểm % so với năm 2015 (44,8%). Không có sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn về tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám bệnh. Tỷ lệ nữ DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh cao hơn 6,3 điểm % so với nam DTTS (nữ 46,8% và nam 40,5%).

Trong các vùng kinh tế - xã hội, Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh thấp nhất, chỉ có 35,1%. Trong các DTTS, có 17/53 DTTS có tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh trên 50%; 19/53 dân tộc từ 40-50%; và 17/53 dân tộc dưới 40%. Dân tộc Lô Lô có tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh thấp nhất, chỉ đạt mức 28,8% (nam 26,1% và nữ 31,6%).

Tiêm chủng của trẻ em DTTS

Ở Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Từ đó tới nay, tất cả trẻ em dưới 2 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận chương trình với 11 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm. Ở các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số có độ bao phủ tiêm chủng thấp hơn so với tỷ lệ của cả nước (dưới 80%). Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác tiêm chủng còn thiếu thốn; giao thông khó khăn; rào cản về ngôn ngữ và văn hóa các DTTS;… Các nguyên nhân nêu trên khiến các cha mẹ là người DTTS không biết hoặc không thể cho con đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ. Để bảo đảm công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ y tế của trẻ em nói riêng và Nhân dân nói chung, đã có nhiều chính sách cho vùng DTTS&MN nhằm đem tiêm chủng đến gần người DTTS hơn. Nhờ đó, cả nước đã không còn “thôn bản trắng, xã trắng về tiêm chủng mở rộng” từ năm 1995 và đến nay vẫn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ luôn đạt trên 90%. Nhờ đạt được những thành tựu to lớn đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng về tiêm chủng mở rộng trong các nước đang phát triển.

Có thể nói, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam những năm qua cơ bản đã làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế; trong đó phải kể đến vai trò của hệ thống y tế tuyến xã, phường, thị trấn tại các vùng đồng bào DTTS&MN. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với đồng bào DTTS&MN còn nhiều hạn chế và chênh lệch so với vùng đồng bằng và kinh tế phát triển. Trong thời gian tới, cần thiết phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam nói chung, nhất là hệ thống y tế tuyến xã, phường, thị trấn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế./.

K. Dung (tổng hợp)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra