Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ di sản thế giới tại Việt Nam
Cụ thể, trong thời gian qua, bên cạnh vai trò chủ chốt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương liên quan trong công tác bảo vệ di sản thế giới, vai trò điều phối của Ban Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Ban Thư ký) ngày càng được tiến hành một cách nhịp nhàng và hoàn thiện hơn thông qua việc triển khai các chức năng, nhiệm vụ phù hợp với quyền hạn cho phép của Ban Thư ký cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ di sản thế giới ở Việt Nam. Điều này cũng được chứng minh qua việc Ủy ban Quốc gia, các Tiểu ban và Ban Thư ký được nhiều nước đánh giá là một mô hình tốt về công tác điều phối hoạt động giữa UNESCO và nước thành viên trên thế giới.
Kết quả cụ thể là công tác điều phối của Ban Thư ký đã góp phần vào việc Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ thành công cho 8 danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO: Quần thể di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu Phố cổ Hội An, Khu Di tích Mỹ Sơn, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Các Di sản thế giới này vừa hỗ trợ quảng bá hình ảnh đất nước, con người, danh lam thắng cảnh Việt Nam, vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của các địa phương.
Ban Thư ký cũng góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, bộ, ngành và địa phương về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản được công nhận, qua đó khiến các bên ngày càng chú trọng hơn vào công tác bảo tồn và phát triển bền vững của di sản. Một ví dụ tiêu biểu về thành công trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là trường hợp di sản đô thị cổ Hội An. Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Hội An tích cực triển khai tốt việc bảo tồn di sản văn hoá thông qua thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt, hiệu quả những sáng kiến của UNESCO về quản lý, bảo tồn di tích (hoàn thiện ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo, kinh doanh trong khu phố cổ, môi trường, thương xuyên tổ chức các cuộc giáo dục di sản, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di tích; thực hiện tốt việc xã hội hóa và hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn di sản…)
Phố cổ Hội An. Ảnh: Huy Trần
Công tác điều phối của Ban Thư ký cũng góp phần tăng cường sự phối hợp giữa các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, và các địa phương ngày một hiệu quả. Ban Thư ký góp phần đề xuất phát huy hiệu quả vai trò của từng cơ quan phục vụ cho mục tiêu bảo vệ di sản thế giới, cụ thể như Tiểu ban Văn hoá nắm vai trò quản lý nhà nước về di sản, Tiểu ban Thông tin hỗ trợ việc quảng bá thông tin về di sản, Tiểu ban Giáo dục hỗ trợ công tác giáo dục di sản cho cộng đồng, người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên nghiên cứu giá trị khoa học của di sản Thiên nhiên, Tiểu ban Khoa học Xã hội nghiên cứu khảo cổ và những vấn đề xã hội liên quan đến di sản.
Tuy nhiên, việc phát triển ngày một nhanh của xã hội kéo theo những yêu cầu phức tạp hơn đối với công tác bảo tồn di sản. Sự thiếu hài hoà trong phát triển bền vững giữa yếu tố phát triển kinh tế-chính trị-xã hội-môi trường với bảo tồn di sản cũng làm một nguyên nhân dẫn đến việc vấn đề bảo vệ di sản Việt Nam gặp những khó khăn, vướng mắc. Nhận thức tuy đã ngày càng được nâng cao nhưng vẫn chưa đồng đều, đặc biệt vì những mục tiêu phát triển của một số địa phương có thể đã ảnh hưởng nhất định đến công tác bảo tồn di sản.
Chức năng, quyền hạn của Ban Thư ký được Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia quy định, nhìn chung mới chỉ ở mức độ chung về chủ trương, chưa được cụ thể hoá. Bên cạnh đó, Công ước 1972 và Hướng dẫn thực hiện Công ước đều không có quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về di sản trong mỗi quốc gia. Điều này cũng dẫn đến trong nhiều trường hợp khi triển khai xảy ra hiện tượng khi chồng chéo, lúc chưa rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan đến công tác bảo vệ di sản. Với cơ sở pháp lý hiện nay, cơ chế vẫn chưa rõ ràng trong việc thông tin- phối hợp giữa các bên liên quan của quốc gia, cơ quan trung ương - cơ quan địa phương, giữa Uỷ ban Quốc gia (Ban Thư ký) – Tiểu ban Văn hoá - cơ quan được giao trực tiếp quản lý di sản địa phương (UBND tỉnh có di sản). Dù Quốc gia “State Party” - Chính phủ trung ương “National Government” được coi là cơ quan chịu trách nhiệm trước Công ước 1972 nhưng chủ thể quản lý chính thức di sản được phân cho các địa phương có di sản. Điều này khiến cho công tác điều phối của Ban Thư ký gặp khó khăn khi mỗi địa phương có mô hình, cơ chế quản lý riêng, phù hợp tình hình đối với Di sản của mình. Điều này cũng sẽ khiến công tác điều phối càng khó khăn khi trong tương lai sẽ còn xuất hiện những di sản chuỗi, di sản mở rộng nằm trên địa phận nhiều tỉnh, càng khiến cho vấn đề quản lý di sản phức tạp hơn.
Ban Thư ký làm việc với chức năng kiêm nhiệm, số lượng cán bộ phụ trách về vấn đề di sản thế giới chưa tương xứng với khối lượng công việc phải giải quyết từ 8 khu Di sản được công nhận và các hồ sơ đề cử ngày càng tăng. Nguồn tài chính hàng năm của Ban Thư ký thực hiện các công việc của Uỷ ban Quốc gia chỉ trích ra từ nguồn kinh phí của Bộ Ngoại giao. Trong khi đó, các hoạt động của các đơn vị liên quan sẽ do cơ quan chủ quản, như các hoạt động của tiểu ban Văn hoá sẽ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các hoạt động của các khu di sản lại phụ thuộc vào hệ thống quản lý của mỗi địa phương, điều này dẫn đến việc chưa có một cơ chế tài chính chung cho Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: Huy Trần
Phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam
Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả vai trò của Ban Thư ký nói riêng và hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam nói chung, một số nội dung sau đây cần được quan tâm thúc đẩy như phối hợp xây dựng, củng cố khung pháp lý, triển khai các hoạt động liên quan đến bảo vệ di sản thế giới tại Việt Nam phù hợp với Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO. Dựa trên các thông lệ đã và đang triển khai, kết hợp với trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các Uỷ ban Quốc gia UNESCO khu vực và trên thế giới và các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý bảo vệ di sản để hoàn thiện các thể chế, cơ chế phối hợp, trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong tương lai. Ban Thư ký sẵn sàng phối hợp, cùng Tiểu ban Văn hoá sửa đổi Luật Di sản, đẩy mạnh thực hiện Nghị định 109, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ chế quản lý di sản phù hợp.
Nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới tại Việt Nam một cách bền vững. Đặc biệt là tăng cường vai trò của các tỉnh/thành phố và các Ban Quản lý Di sản với tư cách là cơ quan trực tiếp được trao quản lý Di sản thế giới tại cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục di sản, tuyên truyền, quảng bá về tầm quan trọng của Di sản và vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Thư ký, các Tiểu ban, các đia phương sở hữu di sản và các cơ quan về di sản của UNESCO trong việc nghiêm túc thực hiện công tác bảo tồn di sản, phát triển bền vững, phù hợp với chính sách, khuyến nghị của UNESCO, ngược lại, phối hợp, đề nghị UNESCO tham vấn chuyên môn, chính sách, hỗ trợ tài chính cho công tác bảo vệ di sản thế giới tại Việt Nam./.
Huy Trần