Bố trí các nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ dân tộc thiểu số vay vốn mở rộng sản xuất

Thứ tư, 25/08/2021 14:00
(ThanhtraVietNam) - Cơ cấu nghề nghiệp tập trung nhiều nhất ở nhóm nghề “Lao động giản đơn” và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, “khoảng cách thu nhập” giữa hộ gia đình DTTS và Kinh vẫn tồn tại, do đó nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi là rất lớn.

Lao động của đồng bào DTTS chủ yếu tập trung ở nhóm“Lao động giản đơn”  

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, lực lượng lao động (LLLĐ) của 53 DTTS năm 2019 là hơn 8 triệu người, trong đó LLLĐ nữ là hơn 3,8 triệu người, chiếm 47,9%. Tỷ trọng lao động nữ trong lực lượng lao động DTTS ở khu vực thành thị là 46,8%, thấp hơn khu vực nông thôn là 48,1%. Trong các vùng kinh tế - xã hội, tỷ trọng lao động nữ trong lực lượng lao động DTTS thấp nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (42,6%) và cao nhất tại Trung du và miền núi phía Bắc (49,1%).

Cũng theo kết  quả điều tra này, tỷ lệ LLLĐ là người DTTS đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên chỉ chiếm 10,3% (nam 11,7% và nữ 8,9%). Tỷ lệ LLLĐ là người DTTS đã qua đào tạo CMKT thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của LLLĐ cả nước là 22,8% (nam 25,0 và nữ 20,3%). Trình độ CMKT của LLLĐ nữ DTTS thấp nhất khi tỷ lệ LLLĐ nữ DTTS đã qua đào tạo CMKT chỉ đạt 8,9%, thấp hơn tỷ lệ tương ứng của LLLĐ nam DTTS là 11,7%, đồng thời thấp hơn tỷ lệ tương ứng LLLĐ nữ cả nước 20,3%.

Về việc làm, tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 7,9 triệu người; trong đó nữ là 3,8 triệu người, chiếm 47,9%. Giai đoạn 2015-2019, số lượng nữ và nam là người DTTS có việc làm đều có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm của nữ DTTS nhanh hơn so với nam DTTS, tương ứng là -0,73%/năm và -1,17%/năm.

Xét về cơ cấu nghề nghiệp thì lao động DTTS tập trung nhiều nhất ở nhóm nghề “Lao động giản đơn” 68,6%, tiếp theo là “Lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” 9,9%, “Lao động thủ công” 6,6%  và “Nhân viên bán hàng và dịch vụ” 5,3%. Rất ít lao động DTTS có thể đảm nhiệm các nghề nghiệp yêu cầu kiến thức và kỹ năng bậc trung và cao như “Lao động quản lý”, “Nhà chuyên môn bậc cao và bậc trung”.

Đặc biệt, theo kết quả điều tra này, tỷ lệ thất nghiệp của lao động DTTS là 1,40%, tăng +0,51 điểm % so với năm 2015 là 0,89%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động DTTS thấp hơn gần -0,6 điểm % so với tỷ lệ thấp nghiệp chung của cả nước là 1,99%. CŨng theo báo cáo,  có tới 20/53 DTTS có tỷ lệ thấp nghiệp của lao động dưới 1%; 21/53 DTTS có tỷ lệ thất nghiệp từ 1-2% và 12/53 DTTS có tỷ lệ thất nghiệp trên 2%. Các DTTS có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất như Cống 0,07% (nữ 0,14% và nam 0%), Lào 0,14% (nữ 0,02% và nam 0,26%), Cơ Lao 0,17% (nữ 0,13% và nam 0,22%). 

leftcenterrightdel
Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi  để sản xuất, từng bước giúp đồng bào DTTS thoát nghèo.Ảnh Internet 

Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất là cơ hội để rút ngắn “khoảng cách thu nhập

Tại năm 2018, kết quả điều tra mức sống hộ gia đình cho thấy, vẫn tồn tại “khoảng cách thu nhập” giữa hộ gia đình DTTS và Kinh, giữa chủ hộ gia đình là nữ và nam, giữa hộ gia đình DTTS khu vực thành thị - nông thôn, các vùng kinh tế - xã hội. Cụ  thể, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 là 2.030 nghìn đồng/người/tháng, chỉ tương đương với 49% mức thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của cả nước (4.154 nghìn đồng/người/tháng) và chỉ bằng 45% mức thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của người Kinh (4.518 nghìn đồng/người/tháng). So với năm 2014, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần (năm 2014 là 1.161 nghìn đồng/người/tháng).

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hộ DTTS được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chiếm 19,7% tổng số hộ DTTS (chủ hộ là nam là 20,7% và chủ hộ là nữ là 15,8%). Có 9/53 DTTS có tỷ lệ hộ DTTS được vay vốn ưu đãi chiếm trên 30% như Ơ Đu 60,0% (chủ hộ là nam 58,4% và chủ hộ là nữ 78,3%), Si La 47,7% (chủ hộ là nam 47,3% và chủ hộ là nữ 48,6%), Chu Ru 41,7% (chủ hộ là nam 45,0% và chủ hộ là nữ 40,2%).

Với tỷ lệ thất nghiệp và mức sống  như vậy, rõ ràng đồng bào DTTS có nhu cầu rất lớn để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, cụ thể, năm 2020 cho thấy có 20,2% hộ DTTS có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2020 là 20,2% (chủ hộ là nam là 21,2% và chủ hộ là nữ là 15,8%). Có 10/53 DTTS có tỷ lệ hộ DTTS có nhu cầu vay vốn ưu đãi trên 30%; 13/53 DTTS có tỷ lệ hộ DTTS có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ 20-30%; 27/53 DTTS có tỷ lệ hộ DTTS có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ 10-20%; và chỉ có 3/53 DTTS có tỷ lệ hộ DTTS có nhu cầu vay vốn ưu đãi dưới 10%.

Về giá trị khoản vay, các hộ DTTS mong muốn được vay khoản vốn có giá trị trung bình là 53,4 triệu đồng (chủ hộ là nam là 54,4 triệu đồng và chủ hộ là nữ là 48,2 triệu đồng). Kết quả điều tra cho thấy, mục đích chủ yếu của  các hộ  DTTS khi vay vốn là để mở rộng sản xuất, với 84,1% số hộ gia đình; vay để tiêu dùng 15,5% (chủ hộ là nam 15,0% và chủ hộ là nữ 18,2%); vay để trả nợ 12,0% (chủ hộ là nam 11,6% và chủ hộ là nữ 13,9%); vay để đi học 6,6% (chủ hộ là nam 6,2% và chủ hộ là nữ 8,3%); vay để chữa bệnh 5,3% (chủ hộ là nam 4,9% và chủ hộ là nữ 7,5%); lý do khác 8,4% (chủ hộ là nam 8,1% và chủ hộ là nữ 10,4%)./.

Trường An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra