Cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ hai, 30/08/2021 10:30
(ThanhtraVietNam) – Hiện nay, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề nổi cộm liên quan đến lĩnh vực vệ sinh môi trường tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), khi mà nơi đây có tới 5.266 xã, trong đó có 1.957 xã khu vực III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tình trạng này cho thấy cơ sở hạ tầng kỹ thuật của vùng đồng bào DTTS&MN còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và việc tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước.

Sử dụng nước sạch cho sinh hoạt

Theo Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, vẫn còn 13,7% hộ gia đình DTTS gặp khó khăn về tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt. Mặc dù, so với năm 2015, tỷ lệ hộ DTTS gặp khó khăn về nước sinh hoạt đã giảm tới hơn một nửa (năm 2015 là 30,7%).

Tỷ lệ hộ DTTS gặp khó khăn về nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn là 15,1% cao gấp gần 4 lần so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị là 3,9%. Nhìn chung, tỷ lệ chủ hộ DTTS là nam gặp khó khăn về nước sinh hoạt cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của chủ hộ DTTS là nữ.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Minh Châu
Trong các vùng kinh tế - xã hội, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ DTTS gặp khó khăn nhất về nước sinh hoạt cao nhất, lần lượt là 25,1%; 20,2% và 12,1%.

Trong các DTTS, vẫn còn 3/53 dân tộc có tỷ lệ hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt trên 50% gồm Chứt 67,1%, Co 64,8% và Bru Vân Kiều 56,8%. So với năm 2015, số lượng dân tộc có tỷ lệ hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt trên 50% đã giảm mạnh từ 14/53 dân tộc xuống còn 3/53 dân tộc.

Sử dụng nhà vệ sinh (hố xí, nhà tiêu) hợp vệ sinh

Trong cuộc Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, việc sử dụng hố xí hợp vệ sinh liên quan mật thiết đến phòng chống dịch bệnh, bao gồm tiêu chảy, bại liệt và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, tình hình sử dụng hố xí hợp vệ sinh của hộ gia đình DTTS đã cải thiện rất nhanh trong giai đoạn 2015 - 2019. Năm 2019, đã có 59,6% hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015 là 7,8%. Tỷ lệ hộ DTTS có chủ hộ là nữ sử dụng hố xí hợp vệ sinh năm 2019 là 65,7% cao hơn +7,9 điểm % so với tỷ lệ tương ứng của chủ hộ là nam 57,8%. Trong các DTTS, có 11/53 dân tộc có tỷ lệ hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh trên 70%; 15/53 dân tộc có tỷ lệ từ 50-70%; 14/53 dân tộc có tỷ lệ từ 30-50%; và 13/53 dân tộc có tỷ lệ dưới 30%. Đáng chú ý là, các dân tộc có tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh dưới 20% như: Xinh Mun 10,9%, Chứt 11,8%, Mảng 14,5%.

Nuôi nhốt gia súc gia cầm

Nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn là tập quán phổ biến từ xa xưa ở một số dân tộc có kiến trúc nhà ở truyền thống là nhà sàn; hoặc muốn tiện lợi cho việc quản lý, chăm sóc vật nuôi như dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Giáy, Dao, Cao Lan. Việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn gây ô nhiễm môi trường sống, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao.

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, vẫn còn tới 24,4% hộ DTTS nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, chỉ giảm -6,1% so với năm 2015 (30,5%). Trong các DTTS, có 7/53 dân tộc có tỷ lệ hộ còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn trên 40%; 11/53 có tỷ lệ từ 30-40%; 11/53 có tỷ lệ từ 20-30%; 21/53 có tỷ lệ từ 10-20%; và chỉ có 3 dân tộc có tỷ lệ nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn rất thấp là Brâu 2,8%, Hoa 4,9% và Rơ Măm 7%.

Sử dụng màn ngủ

Việc sử dụng màn ngủ bảo vệ con người không bị muỗi đốt, tránh được việc truyền các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, đặc biệt ở các địa bàn rừng, núi. Nhờ tuyên truyền của hệ thống y tế cơ sở, đồng bào DTTS đã dần hình thành thói quen sử dụng màn khi ngủ. Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, có 94,8% hộ DTTS sử dụng màn khi ngủ, so với năm 2015, tỷ lệ hộ DTTS sử dụng màn khi ngủ gần như không có sự thay đổi.

Nghiên cứu về những tồn tại liên quan đến lĩnh vực vệ sinh môi trường tại vùng đồng bào DTTS&MN chẳng những giúp cho các chuyên gia hoạch định chính sách, chính quyền có thể đề ra các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng vệ sinh môi trường, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN./.

K. Dung (tổng hợp)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra