Chính sách giáo dục cho vùng DTTS&MN luôn được Chính phủ ưu tiên

Thứ năm, 26/08/2021 16:04
(ThanhtraVietNam) – Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn được ưu tiên phát triển. Kết quả Điều tra thu thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019 đã minh chứng và khẳng định điều này.

Nữ DTTS biết đọc, biết viết một ngôn ngữ bất kỳ ít hơn so với nam

Đa số cộng đồng DTTS ở Việt Nam đang sử dụng phổ biến ngôn ngữ của dân tộc mình. Trẻ em DTTS học nói tiếng của dân tộc trong những năm tháng đầu đời ở gia đình và cộng đồng dân cư. Khi đi học, trẻ em DTTS bắt đầu làm quen với ngôn ngữ phổ thông (tiếng Việt) do hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo của Việt Nam sử dụng ngôn ngữ này.

Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ về quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, quy định: Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn học “Tiếng DTTS” được coi là môn học tự chọn ở các vùng DTTS (chương trình tiểu học, THCS và THPT). Thực tế cho thấy, việc triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên ở vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn, bất cập do thiếu chương trình, tài liệu, sách giáo khoa, chương trình đào tạo cho giáo viên.

Theo kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ biết đọc, biết viết và hiểu được một câu đơn giản bằng một loại ngôn ngữ bất kỳ nào (như chữ quốc ngữ, chữ của các DTTS hoặc chữ nước ngoài) chiếm 84,7%, so với năm 2015, tỷ lệ này đã tăng được +5,1 điểm %.

leftcenterrightdel
 Nhiều chính sách giáo dục dân tộc được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo vùng DTTS&MN. (Ảnh internet)

Trong các DTTS, có 7/53 dân tộc có tỷ lệ biết đọc, biết viết một ngôn ngữ bất kỳ nào trên 90%; 8/53 dân tộc có tỷ lệ từ 80-90%; 16/53 dân tộc có tỷ lệ từ 70-80%; 14/53 dân tộc có tỷ lệ từ 60-70%; 5/53 dân tộc có tỷ lệ từ 50-60% và 3/53 dân tộc có tỷ lệ dưới 50%. Các dân tộc có tỷ lệ biết đọc, biết viết một ngôn ngữ bất kỳ nào thấp nhất gồm Mảng (46,2%), La Hủ (46,9%), Lự (49,9%).

Năm học 2019-2020, trường PTDTNT được thành lập ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 320 trường, quy mô trên 105.818 học sinh. Tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT. Toàn quốc đã có 29 tỉnh có trường Phổ thông Dân tộc bán trú với số lượng 1.124 trường và 237.608 học sinh bán trú. Ngoài ra còn có 2.273 trường phổ thông có học sinh bán trú với số lượng 161.241 học sinh bán trú. 

Người DTTS càng cao tuổi thì tỷ lệ biết đọc, biết viết và hiểu được một câu đơn giản bằng một loại ngôn ngữ bất kỳ nào càng giảm dần. Nhóm từ 15 đến dưới 18 tuổi có tỷ lệ biết đọc, biết viết một loại ngôn ngữ bất kỳ nào lên tới 96,9%. Trong khi đó, nhóm từ 35-44 tuổi thì tỷ lệ này đã giảm xuống còn 77,3% và nhóm từ 65 tuổi trở lên, tỷ lệ này chỉ có 56,9%.

Nhìn chung, nữ DTTS biết đọc, biết viết một ngôn ngữ bất kỳ ít hơn so với nam DTTS ở mọi khu vực, dân tộc và nhóm tuổi. Đáng chú ý là ở các nhóm tuổi cao thì khoảng cách giới (nữ-nam) về tỷ lệ này cũng càng lớn, nếu ở nhóm từ 15 đến dưới 18 tuổi, khoảng cách giới là -0,3 điểm %; thì đến nhóm tuổi 35-44 tuổi đã tăng lên -13,4 điểm % và nhóm từ 65 tuổi trở lên là -25,5 điểm %.

Về việc biết đọc, biết viết chữ phổ thông, kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ người DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 80,9% (nam 86,7%, nữ 75,1%). So với năm 2015, tỷ lệ này đã tăng được +1,8 điểm % (nam tăng +1,2%, nữ tăng +2,4%).

Đối với người DTTS ở nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông càng giảm dần. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông ít hơn đáng kể so với nam giới DTTS và phụ nữ người Kinh.

Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới trường từ mầm non đến THPT

Trong thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN, như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 có quy định về chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người.

Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc.

Theo Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030, hiện nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS&MN có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non. Cả nước có 314 trường PTDTNT; 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 05 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học và học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quan tâm đến chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người thông qua việc xây dựng và ban hành 02 chính sách giàu tính nhân văn và thiết thực, gồm: Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người. Theo đó trẻ em, học sinh DTTS rất ít người được ưu tiên vào học các trường mầm non, trường PTDTNT, bán trú; tốt nghiệp THPT được xét tuyển vào các trường dự bị đại học, cơ sở đào tạo, cao đẳng, đại học công lập.

Mặc dù, đã đạt được một số kết quả ban đầu trong đầu tư giáo dục cho người DTTS và vùng DTTS&MN, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa giáo dục ở vùng DTTS&MN với cả nước./.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 đã đề ra giải pháp về “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi” (dự án 5).

Trong đó, Tiểu dự án 1 (thuộc dự án 5) nêu rõ: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Phấn đấu đến 2030, 100% số trường PTDTNT, PTDTBT được đầu tư xây dựng kiên cố phục vụ việc giảng dạy, học tập và các công trình phụ trợ, đáp ứng tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc, sinh hoạt của học sinh nội trú, bán trú. Phấn đấu trên 90% người dân vùng đồng bào DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo chữ phổ thông… 

 

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra