Quảng Trị:

Chủ động giải quyết những khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 04/04/2022 16:37
(ThanhtraVietNam) – Đó là một trong những giải pháp được Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đưa ra để thực hiện giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi một cách bền vững, tránh để xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt.

Tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phát triển tương đối ổn định

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tỉnh Quảng Trị có 28 xã khu vực III và 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, khu vực I và xã miền núi có đồng bào DTTS sinh sống.  

Tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phát triển tương đối ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các tiềm năng, lợi thế được khai thác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của vùng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt lũ lụt vào cuối năm 2020 và dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong năm 2021 nên sản xuất bị đình trệ, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn đang xảy ra.

Trong khi đó, kết cấu hạ tầng trong vùng đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, toàn vùng có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ học sinh DTTS đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỷ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%; tỷ lệ hộ gia đình người DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh là 66%.

Tình hình giáo dục, y tế đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi ở cấp Tiểu học và THCS đạt trên 95%, ở cấp THPT đạt trên 87%. Tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học, lưu ban hàng năm đều dưới 3%. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt; công tác chăm sóc, giáo dục kỹ năng sống, đảm bảo điều kiện sinh hoạt nội trú, bán trú cho học sinh được tăng cường. Các chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh các trường dân tộc nội trú, bán trú được thực hiện đầy đủ theo quy định.   

Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đã được thực hiện đồng bộ. Cụ thể, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ y, bác sỹ và thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc lại các cơ sở khám, chữa bệnh được quan tâm. Các Trạm y tế ở các xã miền núi đều đã có bác sỹ phụ trách; phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã được đổi mới; tăng cường đầu tư, ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại.

An ninh trật tự luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao. Do làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cơ bản ổn định. Các địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành pháp luật, không để bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động chống đối chính quyền. Tuy nhiên, địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn luôn là địa bàn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, như: Truyền đạo trái phép, xuất nhập cảnh trái phép sang làm thuê, buôn bán tại Lào vẫn còn nhiều; tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai còn diễn biến khá phức tạp. Điều này đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục chủ động tập trung các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Một tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều-Pa Cô, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN) 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ bà con DTTS

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Quảng Trị, các địa phương, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện chu đáo, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội đối với Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Đặc biệt, chăm lo đến các đối tượng hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới; bảo đảm mọi gia đình, người dân đều vui tết, đón xuân đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; không để tình trạng thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu trong dịp Tết.

Cùng với việc tổ chức vui Xuân đón Tết, bà con đồng bào DTTS đã được các cấp, các ngành chỉ đạo tổ chức sản xuất, tiếp nhận giống cây trồng, đảm bảo nhu cầu số lượng giống gieo trồng đúng mùa vụ. Công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư được người dân thực hiện tốt; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được triển khai bài bản; công tác quản lý những người đi về từ vùng dịch được thực hiện chặt chẽ. Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền người dân hạn chế tụ tập đông người để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. An ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới trong dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 được đảm bảo; không xảy ra những vụ việc phức tạp.  

Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình thiếu đói gạo đã diễn ra ở vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân chủ yếu là lúa rẫy mất mùa, diện tích lúa nước bị hạn chế do ruộng bị mưa lũ vùi lấp, xói mòn và sạt lở khiến đồng bào thiếu lương thực. Chính quyền các địa phương đã kịp thời hỗ trợ lương thực cho các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn nên tình hình thiếu đói đã được khắc phục, đời sống đồng bào được ổn định. Riêng ở 2 huyện có đông đồng bào DTTS (Hướng Hóa và Đakrông) đã hỗ trợ 1.034,445 tấn gạo cho 14.394 hộ với 68.963 nhân khẩu.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng số đồng bào DTTS thiếu đói giáp hạt trên địa bàn tỉnh là 13.859 hộ với 67.790 khẩu. Trong đó, hai huyện Hướng Hóa và Đakrông chiếm số lượng lớn (huyện Hướng Hóa có 6.993 hộ, 35.742 khẩu; huyện Đakrông có 6.408 hộ, 29.939 khẩu). Đây là vấn đề cần quan tâm hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ khó khăn và hộ đồng bào DTTS ở các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được thực hiện có hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện giảm nghèo cho đồng bào một cách bền vững, tránh để xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho rằng cần có một số giải pháp như sau:

Một là, các địa phương, đơn vị luôn chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để cùng vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.

Hai là, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ và vận động Nhân dân phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

Ba là, khi ban hành chính sách cần xác định rõ nguồn lực để triển khai thực hiện đảm bảo theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, bố trí kinh phí đủ, kịp thời theo nhu cầu và đồng bộ giữa nguồn vốn hỗ trợ với nguồn vốn vay tín dụng để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đã được phê duyệt. Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, cơ chế thanh, quyết toán để đảm bảo tiến độ đề ra./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra