Chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em DTTS

Thứ bảy, 07/08/2021 08:25
(ThanhtraVietNam) – Trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành cũng như các tỉnh, thành phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến đồng bào các DTTS và miền núi, trong đó có các chương trình về thực hiện quyền trẻ em. Đặc biệt, đã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình về trẻ em.

Những đề án thiết thực được lồng ghép triển khai thực hiện

Những năm qua, lãnh đạo UBDT luôn quan tâm, chỉ đạo việc rà soát, ban hành chính sách, văn bản có liên quan đến trẻ em DTTS. Theo đó, đã phối hợp hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện quyền trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

UBDT không tham mưu ban hành chính sách riêng liên quan đến trẻ em vùng DTTS và miền núi mà lồng ghép các hoạt động vào các chính sách liên quan đến vấn đề này. Mặt khác, đôn đốc các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về thực hiện quyền trẻ em ở vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiều chương trình về trẻ em DTTS và miền núi được lồng ghép triển khai, thực hiện cùng với các chương trình chung về trẻ em, như: Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chương trình phòng, chống bạo lực đối với trẻ em giai đoạn 2016-2020; Chương trình xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất giai đoạn 2016-2020; Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025…

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền được chỉ đạo triển khai theo hướng lồng ghép các chính sách, đề án có liên quan đến vùng DTTS và miền núi, nhằm hướng tới các quyền lợi dành cho trẻ em về các lĩnh vực, gồm: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ em; độ tuổi trẻ em được đến trường; mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non; tình hình biết đọc, biết viết của trẻ em là người DTTS; hỗ trợ trẻ em gái, phòng, chống xâm hại trẻ em, đáp ứng yêu cầu cấp bách đề ra trong giai đoạn hiện nay, lấy trẻ em DTTS làm trung tâm. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tăng cường nhận thức về bình đẳng giới của trẻ em gái người DTTS.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, nguồn internet

Một trong những đề án nổi bật về vấn đề trẻ em vùng DTTS và miền núi được triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm qua là “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao nhận thức pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng các mô hình thí điểm để thúc đẩy bình đẳng giới ở những địa bàn có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới, nhất là các địa bàn có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống.

Riêng trong năm 2019-2020 đã tổ chức triển khai hỗ trợ thực hiện 7 mô hình thí điểm tại vùng đồng bào DTTS tại 5 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Kon Tum; phối hợp với Báo Dân tộc và Phát triển xây dựng tờ chuyên trang trên Báo Dân tộc và Phát triển để cung cấp thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi; phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam xây dựng 03 chuyên mục tuyên truyền bình đẳng giới, chuyển thể thành 09 thứ tiếng dân tộc phát sóng trên hệ VOV4 của Đài tiếng nói Việt Nam…

Đối với Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 -2025”, UBDT đã chú trọng vào các mục tiêu cụ thể, đặc biệt là mục tiêu nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp trong việc ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết có ý nghĩa rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng trẻ em, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS.

UBDT cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các nội dung liên quan đến bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân gia đình... luôn được chú trọng.

Thực hiện nhiệm vụ về phụ nữ, gia đình và trẻ em vùng DTTS, UBDT đã xây dựng báo cáo đánh giá, xây dựng kế hoạch triển khai các văn bản góp ý và tham gia xây dựng chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2021-2025 và Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.

Vẫn còn những hạn chế do nguyên nhân khách quan

Tuy nhiên, UBDT nhận định, vùng DTTS và miền núi có địa bàn phức tạp, việc đi lại chưa thuận lợi nên việc đưa thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tố giác hành vi xâm hại trẻ em của tổ chức, cá nhân và việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tổ chức thường xuyên. Tài liệu tuyên truyền theo chiều sâu còn hạn chế, việc bồi dưỡng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên về kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em chưa được thường xuyên.

Mặt khác, việc giáo dục kỹ năng sống và kiến thức cơ bản để trẻ em biết tự bảo vệ, ứng phó với các tình huống thường gặp trong cuộc sống còn nhiều hạn chế. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng chưa được pháp luật quy định đầy đủ; các chính sách về xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu dẫn tới hiệu quả công tác này chưa cao.

Hơn nữa, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Công tác ban hành văn bản chỉ đạo ở địa phương chưa kịp thời; có nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em chưa được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật; việc lồng ghép vấn đề về phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên và đầy đủ từ Trung ương tới địa phương; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn còn hạn chế, việc phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, kịp thời...

Đây là những hạn chế và vấn đề đặt ra cần tập trung xử lý trong thời gian tới để các chính sách công tác dân tộc nói chung và chính sách, công tác dân tộc dành riêng cho trẻ em khu vực này đạt được hiệu quả./.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra