Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật

Thứ sáu, 27/08/2021 11:30
(ThanhtraVietNam) – Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017-2021, Uỷ ban Dân tộc (UBDT) đã chú trọng PBGDPL chủ yếu thông qua tài liệu bằng tiếng dân tộc; đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật.

Phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu thông qua tài liệu bằng tiếng dân tộc

Vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, thu nhập bình quân đầu người của người DTTS chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số DTTS chiếm 14,68% dân số cả nước nhưng chiếm đến 52,66% hộ nghèo của cả nước.

Đáng nói, nhận thức về pháp luật và hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin pháp luật khó khăn. Một số cơ quan ban, ngành cũng như chính quyền cơ sở vẫn còn chưa nhiệt tình phối hợp và thực hiện thường xuyên các hoạt động PBGDPL. Đồng bào DTTS, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ... nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến tình hình vi phạm các tệ nạn xã hội trên địa bàn vùng DTTS&MN còn nhiều do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật. Vì vậy, công tác PBGDPL được UBDT cũng như các cấp, các ngành và chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm giúp đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Công tác PBGDPL ở địa bàn vùng DTTS&MN căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật vệ dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia… và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân. Hoạt động PBGDPL cho người dân ở vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa được chú trọng thực hiện thông qua tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc hoặc lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống.

leftcenterrightdel
  Cán bộ Hội Phụ nữ xã Quý Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ. (Ảnh minh hoạ - Báo Tuyên Quang)

Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ báo cáo viên pháp luật     

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBDT đều có đề xuất với cấp có thẩm quyền việc sửa đổi các quy định, chính sách còn bất cập trong triển khai thi hành pháp luật và kịp thời bổ sung các quy định, chính sách còn thiếu đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS.

Để tiếp tục thể chế hóa chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS&MN, UBDT đã nghiên cứu, tích hợp các chính sách PBGDPL cho đồng bào DTTS vào dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xà hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 nhằm đảm bảo chính sách này được thực hiện liên tục, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2017-2021, UBDT luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL và kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, UBDT phân công, phân nhiệm, quy định trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ PBGDPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban; giao Vụ Pháp chế là đơn vị thường trực tham mưu thực hiện công tác PBGDPL, tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác này. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL và định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, UBDT cử báo cáo viên pháp luật, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp. Mặt khác, tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp, người có uy tín... để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Các địa phương cũng tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS có phẩm chất chính trị tốt, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với đối tượng là đồng bào DTTS. UBDT cho biết, qua thống kê chưa đầy đủ, hiện nay các địa phương có 1.137 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS.

Nhận thức việc tuyên truyền, PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng là khâu quan trọng, cũng trong giai đoạn 2017-2021, UBDT đã xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên chuyên trang “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử của UBDT, chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật”, “Pháp luật và đời sống” trên Báo Dân tộc và Phát triển, chuyên mục “Góp ý hoàn thiện pháp luật” trên Tạp chí Dân tộc, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên hệ thống phát thanh và truyền hình.

Ngoài ra, UBDT đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để PBGDPL cho đồng bào DTTS thông qua Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025”./.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra