Công khai các chính sách, dự án, vốn đầu tư để đồng bào dân tộc biết và tham gia quản lý, giám sát

Thứ hai, 28/03/2022 07:49
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong các giải pháp đáng chú ý được Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc xác định để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong thời gian tới, gắn với các nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại địa phương.

Trong Quý I/2022, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết cho 69 người uy tín trong đồng bào DTTS (mỗi suất quà 500 nghìn đồng). Qua đó kịp thời động viên người có uy tín đón xuân vui vẻ, đoàn kết. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về bổ sung, thay thế người có uy tín cũng như danh sách người có uy tín năm 2022.

Việc phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện thành phố cũng được Ban Dân tộc thực hiện nhằm hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025.

Đáng chú ý, nhiều kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành như: Kế hoạch số 07/KH-BDT ngày 6/3/2022 về tổ chức thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025” năm 2022; Kế hoạch số 11/KH-BDT ngày 8/3/2022 về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2018-2025” năm 2022 cùng với đó là các kế hoạch về thực hiện chế độ chính sách với người có uy tín và kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, cận huyết thống vùng đồng bào DTTS tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, năm 2022...

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Dân tộc đã phối hợp với Thanh tra tỉnh rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 tránh chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian và theo dõi, báo cáo kết quả sau thanh tra theo quy định. Thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 20/1/2022 của UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-BDT ngày 4/3/2022 thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Tiếp đó, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Ngoài ra, Ban Dân tộc cũng thực hiện tốt công tác phối hợp với Hội Nông dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban An toàn giao thông tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp các nội dung liên quan đến đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài nên một số nhiệm vụ dù đã xây dựng kế hoạch nhưng triển khai còn chậm, hạn chế hoặc chưa triển khai.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Ban Dân tộc thăm hỏi, động viên gia đình bà Dương Thị Phương Thảo, thôn Trung Mầu,Trung Mỹ, Bình Xuyên, một mình nuôi ba con nhỏ. Ảnh: Ban DTVP

Trong Quý II/2022, Ban Dân tộc sẽ hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, trình UBND tỉnh ban hành. Tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ hoạt động của người có uy tín trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Tổ chức triển khai các kế hoạch về chính sách đối với đồng bào DTTS như: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức; chế độ chính sách với người có uy tín; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nâng cấp mạng LAN và bổ sung thiết bị công nghệ thông tin tại Ban Dân tộc. Đồng thời, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch đã ban hành, giải quyết đơn thư và thực hiện theo dõi, báo cáo kết quả sau thanh tra...

Để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình trong Quý II, Ban Dân tộc xác định nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể.

Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc đối với các ngành, các cấp. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Triển khai lồng ghép các nguồn vốn, chính sách của Chính phủ, của tỉnh đề đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào DTTS kịp thời, hiệu quả. Có chính sách ưu tiên để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Song hành với đó, phát huy dân chủ cơ sở, coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác vận động đồng bào dân tộc kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc.

Thực hiện nghiêm túc công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, khắc phục tính tự ty, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người dân đồng bào DTTS và miền núi.

Giải pháp tiếp theo, Ban Dân tộc xác định cần tăng cường đầu tư các dịch vụ để nâng cao mức sống của Nhân dân, giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công cộng, nhất là y tế, văn hóa, giáo dục, dày nghề, trợ giúp pháp lý, nước sinh hoạt... để người dân yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất. Gắn phát triển sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS...

Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình MTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 để các địa phương căn cứ thực hiện, nhất là nên quy định rõ đối tượng thụ hưởng, định mức của từng dự án, tiểu dự án.

Hải Trung Kim

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra