Quảng Ninh:

Đa dạng các giải pháp để gìn giữ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc

Thứ tư, 01/09/2021 14:39
(ThanhtraVietNam) - Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có 96% dân số là đồng bào dân tộc DTTS, trong đó nhiều nhất là người dân tộc Tày (trên 51%). Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng gắn liền với cuộc sống tại vùng cao, biên giới, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất này. Qua thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT), Bình Liêu có tới 22 di sản thuộc loại hình tập quán, 4 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 11 di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, 4 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết, 29 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian và lễ hội truyền thống.

Trước yêu cầu bảo tồn và phát triển nguồn “tài nguyên” giá trị này, huyện Bình Liêu đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc giai đoạn 2020 - 2030. Trên cơ sở tiến hành thống kê, phân tích và đánh giá các giá trị văn hoá, huyện tập trung quy hoạch về kiến trúc nhà ở, trùng tu di tích, bảo tồn truyền thống về trang phục, chữ viết, tiếng nói, truyện cổ, dân ca, lễ hội... của các dân tộc.

leftcenterrightdel
Các thành viên CLB “Giai điệu quê hương” biểu diễn hát Then. Ảnh: Huỳnh Đăng 

Mỗi cộng đồng dân cư cũng có những giải pháp để gìn giữ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc mình như việc thành lập CLB văn nghệ truyền thống tại các xã, thôn, bản, trường học, nhằm khơi gợi ý thức tự hào, tiếp nối bản sắc dân tộc trong thế hệ trẻ. Huyện xây dựng các bản, làng văn hóa các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao Thanh Phán ở thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn), thôn Lục Ngù (xã Húc Động)... gắn liền với các tour, tuyến, điểm du lịch trải nghiệm, khám phá. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào DTTS nâng cao thu nhập từ chính việc gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Cũng theo thống kê của Sở VH&TT, trên địa bàn thị xã Quảng Yên hiện lưu giữ hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa bao gồm 38 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh, cùng những kho tàng văn hóa phi vật thể khác. Thời gian qua, thị xã đã có nhiều giải pháp cụ thể để vừa nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, vừa huy động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương như trùng tu các di tích lịch sử, phục dựng các lễ hội truyền thống, mà trong đó người dân được khuyến khích tham gia tổ chức. Mới đây, thị xã đã xây dựng Đề án bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống giai đoạn 2021 - 2025, nhằm lưu giữ các di sản văn hóa, vừa góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Để giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống các dân tộc, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai liên tục những năm qua, như: Dự án bảo tồn bản Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long); xây dựng làng văn hóa dân tộc Tày huyện Bình Liêu, dân tộc Dao TP Hạ Long, dân tộc Dao huyện Tiên Yên; nghiên cứu giải pháp bảo tồn văn hóa dân gian cổ truyền của dân tộc Tày tỉnh Quảng Ninh; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2019 - 2022...

Trường  An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra