Đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước
Đây là một số kết quả rà soát, nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong dịp Tết Nguyên đán được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn báo cáo tới Ủy ban Dân tộc.
Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ thị, công điện, kết luận, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy Lạng Sơn về công tác chuẩn bị và tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông và bảo đảm an sinh xã hội trước, trong và sau Tết.
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành; trực tiếp các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức cho Nhân dân đón Tết cổ truyền với chủ trương “mọi người, mọi nhà đều có Tết”, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, các lực lượng trực phục vụ Tết.
Kết quả rà soát, nắm tình hình còn cho thấy, các hoạt động, chương trình y tế tiếp tục được triển khai ngay từ đầu năm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022 được bảo đảm, không có hộ gia đình nào thiếu đói.
Các chính sách về dân tộc, tôn giáo tiếp tục được thực hiện kịp thời, đúng quy định; các khoản phụ cấp, chế độ chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng đảm bảo đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bảo đảm; đồng bào dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh công tác tổ chức phục vụ Nhân dân đón Tết, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước bằng các quyết định, chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm trọng điểm; phát động các phong trào thi đua, tích cực học tập, lao động sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
|
|
Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn thăm, tặng quà tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 tại huyện Văn Lãng. Ảnh: Cổng TTĐT Lạng Sơn |
Đảm bảo không để hộ dân nào bị thiếu đói sau Tết và dịp giáp hạt
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 08/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; công văn 194/UBDT-TH của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của Nhân dân, nhất là Nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình là người dân tộc thiểu số bị thiệt hại do dịch bệnh (đặc biệt là dịch Covid-19), thiên tai trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến thiếu đói, để có biện pháp trợ giúp kịp thời, đảm bảo không để hộ dân nào bị thiếu đói sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và dịp giáp hạt đầu năm 2022.
Lạng Sơn đã tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ gạo cho 6.195 hộ, tương ứng 21.819 nhân khẩu với tổng số 344.640 kg gạo, giá trị hơn 4,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.066 hộ, tương ứng 21.411 nhân khẩu với tổng số 331.575 kg gạo, kinh phí gần 4.290 triệu đồng; ngân sách địa phương hỗ trợ 129 hộ, tương ứng 408 nhân khẩu với 13.065 kg gạo, kinh phí thực hiện trên 189 triệu đồng).
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, công tác hỗ trợ gạo được thực hiện công khai, kịp thời, đúng đối tượng, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng gạo theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Các đối tượng được hưởng đã nhận đủ số lượng gạo theo định mức quy định, không sử dụng gạo cứu trợ vào mục đích khác, không xảy ra thất thoát, lãng phí, không có các hiện tượng tiêu cực trong quá trình cấp phát gạo đến các hộ dân.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 564 hộ, tương ứng 2.146 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số có nguy cơ thiếu đói dịp giáp hạt đầu năm 2022, tổng nhu cầu gạo hỗ trợ là 33.255 kg, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương nghiên cứu, rà soát và đề xuất triển khai việc hỗ trợ, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu đói dịp giáp hạt đầu năm 2022.
Qua rà soát, nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ gạo hằng năm cho các địa phương; nghiên cứu, khảo sát xây dựng chính sách đặc thù riêng về hỗ trợ cho nhóm đối tượng thường xuyên rơi vào cảnh thiếu đói dịp giáp hạt hằng năm để tạo sinh kế, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ngô Tân