Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập và thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số; khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập và thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế vào vùng dân tộc thiểu số; tập trung đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số, chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Với mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra; nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các ngành, các địa phương về cơ chế, giải pháp thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách trong vùng ĐBDTTS.
|
|
UBND tỉnh yêu cầu đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn (Ảnh: CTTĐT.VL) |
Tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống vùng ĐBDTTS
Về phát triển kinh tế, UBND tỉnh yêu cầu tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế - xã hội ở vùng ĐBDTTS; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng ĐBDTTS. Đối với nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh; tập trung hình thành các vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sử dụng lao động tại chỗ; chú trọng cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (quốc gia, cấp tỉnh, đặc sản địa phương) gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lĩnh vực và vùng phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng giải quyết đất ở, đất sản xuất và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho hộ ĐBDTTS và hộ nghèo người Kinh sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn. Đối với công nghiệp - xây dựng cần rà soát, quy hoạch hợp lý các ngành công nghiệp, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, có tiềm năng, thế mạnh để ưu tiên phát triển gắn liền với tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và địa bàn sinh sống của ĐBDTTS. Bố trí nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên kiên cố hóa đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; kết nối điện lưới quốc gia tới các hộ gia đình; hoàn thiện kết cấu hạ tầng viễn thông, thông tin, truyền thông phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Đối với thương mại, dịch vụ, du lịch thì tập trung thúc đẩy lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nội vùng, liên vùng thông qua hệ thống chợ đầu mối, chợ trung tâm cụm xã. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển các kênh phân phối và thương mại điện tử; phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ phù hợp đặc thù vùng ĐBDTTS. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; du lịch lịch sử - văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, du lịch “trải nghiệm”, du lịch “nông nghiệp”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống vùng ĐBDTTS.
Về phát triển giáo dục - đào tạo, sẽ tập trung phát huy và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp. Thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và khả năng bố trí việc làm tại địa phương; chú trọng củng cố và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô các trường mầm non, phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng ĐBDTTS; ưu tiên bố trí đủ số lượng, cơ cấu và bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục, đào tạo; hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách giáo dục đối với vùng ĐBDTTS…
Về quốc phòng, an ninh, UBND tỉnh yêu cầu tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của ĐBDTTS để kịp thời nhận diện, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối trật tự an toàn xã hội. Tổ chức tốt công tác nắm tình hình ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của ĐBDTTS, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết các tình huống phát sinh, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự; tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong ĐBDTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…