Hòa Bình:

Đẩy mạnh công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ tư, 04/08/2021 23:07
(ThanhtraVietNam) - Trong những năm qua, thực hiện Đề án 245 và Kế hoạch số 130-KH/TU, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hòa Bình đã quan tâm củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tập trung nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trong tôn giáo, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Vừa qua, công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Hòa Bình đạt nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản đạt chuẩn theo từng chức danh. Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh được xếp bằng xếp hạng; nhiều tổ chức tôn giáo được chấp thuận thành lập mới. Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được chính quyền tạo điều kiện tôn tạo, xây mới khang trang. Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng có đạo, phát triển đảng viên, lực lượng cốt cán phong trào trong tôn giáo được củng cố, tăng cường.

Cụ thể, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động tại các cơ sở tín ngưỡng. 100% các đảng bộ trực thuộc đã quán triệt, triển khai, ban hành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án 245 và Kế hoạch số 130-KH/TU phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm đến công tác tín ngưỡng, tôn giáo, coi đây là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường vận động, giáo dục đồng bào các tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt các chức sắc, tôn giáo để kịp thời chia sẻ thông tin, tạo mối quan hệ cởi mở, tin cậy góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, tín đồ tôn giáo trong việc chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh cùng các chức sắc tôn giáo năm 2019 

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng. UBND tỉnh ban hành 02 Đề án về Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh và Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường; chỉ đạo điều tra, khảo sát phục dựng nhiều lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo, chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đông đồng bào có đạo. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ đoàn viên, hội viên.

Các cấp chính quyền tiếp tục cụ thể hóa, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện nghiêm Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, công bố rộng rãi danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để mọi người dân, chức sắc, tín đồ tôn giáo biết, thực hiện. Quan tâm củng cố, kiện toàn các cơ quan, bộ phận giúp việc làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành.

Công tác quản lý nhà, đất liên quan đến tôn giáo được các địa phương quan tâm thực hiện, đảm bảo nhu cầu về nhà, đất và nơi sinh hoạt tôn giáo cho chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo. Trên địa bàn tỉnh có 174 điểm đất liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với tổng diện tích sử dụng đất là 167,47 ha. Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nhiều Nghị quyết có nội dung liên quan đến việc sử dụng nhà, đất vào mục đích tín ngưỡng, tôn giáo; UBND tỉnh ban hành 11 Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đối với các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh không có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; chủ yếu là đơn kiến nghị, đề nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo, các đơn, thư này đều được UBND tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Công tác đấu tranh với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, tà đạo, đạo lạ, việc lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây rối, chống Đảng, Nhà nước và chế độ được tiến hành thường xuyên. Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng tăng cường nắm bắt tình hình, gặp mặt, đối thoại, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của địa phương.

Đặc biệt, chủ động đấu tranh phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các đạo lạ, tà đạo trái thuần phong mỹ tục; lợi dụng dịch bệnh để hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép. Xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn các dịp lễ tết, sự kiện tôn giáo và các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương. Làm tốt công tác giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, chủ hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Đoàn Cần

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra