Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ, sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS

Thứ hai, 23/08/2021 09:02
(ThanhtraVietNam ) - Mặc dù chất lượng chăm sóc sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn khoảng cách đáng kể so với phụ nữ Kinh - Hoa. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, để khắc phục được tình trạng đó cần thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử phức hợp, đan xen đối với phụ nữ DTTS trong quá trình tiếp cận các dịch vụ sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Theo đó, cần tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ em DTTS thông qua cải thiện chất lượng và mức độ sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng DTTS. Cụ thể là:

leftcenterrightdel

Ảnh minh họa. TH Thái Nguyên 

Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ DTTS tới dịch vụ chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, mức độ bao phủ và tính phù hợp về mặt văn hóa, ngôn ngữ dân tộc của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng DTTS và miền núi. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng DTTS và miền núi, có bác sỹ, y tá là người địa phương để giảm thiểu rào cản về ngôn ngữ đối với phụ nữ DTTS.

Thứ hai, tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người DTTS, đặc biệt là nữ DTTS trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Vận động người DTTS thực hành sinh đẻ có sự chăm sóc của cán bộ y tế được đào tạo; bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi.

Tăng cường công tác truyền thông tại các tỉnh có đông đồng bào DTTS có hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến, kinh tế còn khó khăn, điều kiện giao thông không thuận lợi. Đẩy mạnh truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình để nâng cao hiểu biết cụ thể cho đối tượng, thúc đẩy sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình trong mỗi gia đình và cả cộng đồng. Tăng cường các hoạt động truyền thông lồng ghép với các lễ hội sinh hoạt cộng đồng, phiên chợ vùng cao... Tổ chức biểu dương các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Vận động sự tham gia của các trưởng tộc, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo tham gia ủng hộ các hoạt động, các chương trình dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS triển khai tại địa phương.

Thứ ba, phân bổ đủ nguồn lực trong ngân sách quốc gia dành cho chăm sóc sức khoẻ với trọng tâm là bà mẹ và trẻ em DTTS. Trước hết, cần thực hiện đánh giá các chương trình mục tiêu và chương trình bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo chi ngân sách cho y tế hiệu quả hơn, thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em và hộ gia đình giữa các vùng miền trong cả nước. Thực hiện đánh giá chi tiêu công về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS và gắn chi với kết quả, qua đó sẽ giúp Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ nắm được tình hình tổng quát về kinh phí chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS. Quốc hội và Chính phủ cần tăng cường ưu tiên đầu tư chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em miền núi và DTTS. Bên cạnh đó, tăng cường mối liên kết giữa chính sách, lập kế hoạch, lập ngân sách với đầu ra bằng cách tăng cường cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS. Ngoài ra, cũng cần nâng cao năng lực các cơ quan chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em DTTS về quản lý tài chính công.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở tại vùng DTTS&MN để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản linh hoạt, dễ tiếp cận, miễn phí và bảo đảm chất lượng cho phụ nữ và nam giới vùng DTTS&MN cho người DTTS, đặc biệt là nhóm chưa thành niên. Các dịch vụ gồm: tư vấn và cung cấp các biện pháp kế hoạch hoá gia đình; tham gia vào công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; và phòng tránh, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Tăng cường, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các cán bộ y tế để họ có đủ khả năng xử trí các tình huống khác nhau về tai biến sản khoa và các bệnh liên quan đến thai sản. Từ đó, đảm bảo an toàn, sức khỏe, hạnh phúc cho bà mẹ và trẻ em; khai thác hiệu quả các nền tàng thông tin, truyền thông trực tuyến, hệ thống tư vấn từ xa thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến nhằm khắc phục những khó khăn do những điều kiện văn hóa xã hội đặc biệt, rào cản ngôn ngữ, vị trí địa lý do người DTTS hầu hết sống rất xa các cơ sở y tế.

Thứ năm, trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế ở vùng DTTS về bình đẳng giới, ngôn ngữ DTTS và thích ứng với văn hoá các DTTS trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho nam và nữ DTTS; trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong đó, quan tâm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cô đỡ thôn bản, bởi đây là những cánh tay nối dài của ngành Y tế, làm việc ở tuyến cộng đồng, thực hiện hoạt động chăm sóc cơ bản, hỗ trợ các bà mẹ mang thai. Trong trường hợp phụ nữ mang thai có những triệu chứng nguy hiểm, chính cô đỡ thôn bản là người sẽ giúp phát hiện và đưa ngay sản phụ đến cơ sở y tế. Do đó, cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cô đỡ thôn bản, bao gồm đào tạo, cung cấp vật tư cần thiết, chế độ đãi ngộ cho công tác hộ sinh./.

K. Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra