Đề xuất nội dung quy hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ sáu, 23/07/2021 14:29
(ThanhtraVietNam) - Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Vĩnh Phúc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 tăng 8,5%/năm, sau năm 2030 duy trì ở mức 8,5 đến 9,0%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 tăng gấp 3 lần so với năm 2020, đến năm 2050 gấp khoảng hơn 6 lần so với năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất nội dung quy hoạch phát triển vùng.

Về phát triển kinh tế

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối với thị trường, tạo chuỗi sản phẩm, gia tăng giá trị.

leftcenterrightdel
 Các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS cần được quan tâm bảo tồn và phát triển. Ảnh: Hoàng Quý
Trong đó, ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi tập trung có quy mô hợp lý theo hướng hiện đại tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN; xây dựng vùng trồng rau, quả sạch có thương hiệu, có giá trị kinh tế cao; xây dựng các Trung tâm bảo tồn, phát triển các giống thảo dược quý, hiếm của Vườn Quốc gia Tam Đảo; hình thành, phát triển vùng trồng, bảo tồn, chế biến một số loại dược liệu quý, hiếm có giá trị kinh tế cao; kết hợp tổ chức các hoạt động khai thác môi trường rừng với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: Quy hoạch lại việc khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản ở một số khu vực, đảm bảo khai thác chế biến khoảng sản tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ phát triển KT - XH tỉnh đồng thời phải đảm bảo môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào DTTS ở vùng này. Ưu tiên đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Hỗ trợ nông dân đầu tư áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, phù hợp với điều kiện cụ thể.

Ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng, phát triển, mở rộng các chợ phiên miền núi, chợ trung tâm khu vực; chợ ẩm thực của đồng bào DTTS&MN; hình thành một số Làng văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. 

Xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ 100% hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đảm bảo tiêu chí hạ tầng giao thông chuẩn nông thôn mới, đảm bảo hệ thống thủy lợi, hệ thống điện các xã vùng đồng bào DTTS&MN phục vụ 100% diện tích canh tác và sản xuất và yêu cầu thực tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành phát triển KT - XH ở địa phương.

Phương án phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội

Về phát triển giáo dục - đào tạo: Quy hoạch phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô hệ thống trường học các cấp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; phát triển cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện KT - XH của địa phương. Đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đào tạo, tiếp nhận việc làm mới cho người DTTS. Phát triển các hình thức giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán dân cư, địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.

Về phát triển y tế và dân số: Thực hiện chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số cho đồng bào DTTS, tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào. Tiếp tục quan tâm đào tạo, phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế vùng đồng bào DTTS&MN.

Về phát triển bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc: Thực hiện bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS. Xây dựng, phát triển một số Làng văn hóa các DTTS. Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, gắn với phục dựng kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào DTTS làm mô hình bảo tồn sinh thái. Quan tâm đảm bảo bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

Phương án đảm bảo an ninh quốc phòng

Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đấu tranh phòng chống, xử lý tội phạm, tệ nạn xã hội và hoạt động truyền đạo trái pháp luật tại vùng đồng bào DTTS& MN. Chủ động tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho cán bộ cơ sở và cả đồng bào vùng DTTS&MN; động viên người dân tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự tại thôn bản; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ sở; không để bị động, bất ngờ và không để phát sinh các vụ việc phức tạp, các “điểm nóng” về an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN.

Tóm lại, việc đề xuất nội dung quy hoạch phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS &MN để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn thực hiện các chính sách được ban hành. Qua đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; thu hẹp khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giữa các dân tộc; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội./.

K. Dung

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra