Tại Phiên họp, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh và các cơ quan chức năng báo cáo tiến độ, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo; tờ trình của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về việc điều chỉnh, đưa ra và bổ sung các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo; báo cáo kết quả rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp có nguy cơ lãng phí trên địa bàn tỉnh và các dự thảo văn bản liên quan hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Sau khi nghe các cơ quan tham mưu báo cáo, Ban Chỉ đạo tỉnh thảo luận và thông qua một số nội dung sau: Đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với 03 vụ việc, vụ án, gồm: Vụ việc có dấu hiệu thất thu thuế, nghĩa vụ tài chính, quản lý tài sản nhà nước tại khu công nghiệp Long Đức (huyện Long Thành); Vụ án liên quan Dự án Khu dân cư Bình Đa tại phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa); Vụ án “Trốn thuế” (liên quan Công ty TNHH Hà Lộc) xảy ra tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng thời, đưa vào diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với Vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”; “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
    |
 |
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo PCTN,LP,TC tỉnh Đồng Nai Vũ Hồng Văn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: TU.ĐN) |
Đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 02 công trình, cơ sở nhà đất do Nhà nước quản lý có nguy cơ lãng phí, gồm: Văn phòng nhà làm việc của Sở Khoa học và Công nghệ tại Quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh); Trường THCS Dương Văn Thì (huyện Nhơn Trạch).
Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong thời gian tới tiếp tục tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo.
Về phương hướng trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cụ thể: Rà soát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh và các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ để chỉ đạo khẩn trương hoàn thành những nhiệm vụ chưa được triển khai hoặc chưa hoàn thành.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai các quy định thuộc thẩm quyền có liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, tinh gọn.
Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện dứt điểm việc xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, nguy cơ lãng phí trên địa bàn.
Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tổ chức tốt đại hội đảng các cấp. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, lợi dụng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ; giải ngân vốn ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc.
Các cơ quan chức năng địa phương tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Thực hiện có hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; về kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò của báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.