Điểm sáng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ hai, 19/07/2021 14:55
(ThanhtraVietNam) – Nhiều năm qua, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại Vĩnh Phúc, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) luôn giữ được sự đoàn kết, ổn định, không có điểm nóng phức tạp, đồng thời còn từng bước phát triển nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, năm 2019, Vĩnh Phúc có 40 DTTS sinh sống ở 9/9 huyện, thành phố với tổng số 55.383 người (chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh). Trong đó, số người DTTS tại 40 xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi thuộc 6 huyện, thành phố (Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên, Tam Dương) là 52.214 người, chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Cao Lan, Tày, Dao,… Các DTTS khác có số lượng ít, sống rải rác, đan xen với dân tộc Kinh ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

leftcenterrightdel
Gian trưng bày trang phục truyền thống dân tộc Dao quần chẹt, Cao Lan, Sán Dìu của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Thảo 
Từ năm 2011 đến năm 2020, Vĩnh Phúc đã thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư vùng DTTS&MN như tại: Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II, khu vực hồ Đại Lải; một số dự án tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo; khu vực hồ Xạ Hương thuộc xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; các khu vực có tiềm năng như Hồ Vân Trục, Hồ Bò Lạc (huyện Lập Thạch), Hồ Làng Hà (huyện Tam Đảo). Một số địa bàn có mức thu hút đầu tư tốt về du lịch và dịch vụ như: Xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên), xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên), một số xã, thị trấn của huyện Tam Đảo. Đây cũng là một trong những lý do chính giúp cho tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN ở Vĩnh Phúc tương đối cao, bình quân đạt 6,2%/năm (so với mặt bằng chung của tỉnh dao động từ 6,5-6,8%/năm).

Cũng nhờ được đầu tư phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ mà các mặt y tế, giáo dục, văn hóa của vùng đồng bào DTTS&MN ở Vĩnh Phúc luôn được ghi nhận chất lượng tốt. Đến nay, 100% các xã vùng dân tộc và miền núi đều có đủ trường, lớp mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS cơ bản được kiên cố hóa (mầm non 92,6%; tiểu học 96,8%; THCS 98,2%; THPT 100%), đến năm 2019 có 100% các trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ người DTTS đi học đúng độ tuổi ở cấp mầm non đạt 100%, tiểu học đạt 99,1%, THCS đạt 98,7%; THPT đạt 90,7%. 100% các xã vùng dân tộc và miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa; 100% số thôn có nhà văn hóa. Công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm thực hiện, như: lễ hội Xuống đồng của dân tộc Cao Lan; hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu, Lễ Cấp sắc của người Dao, Sán Dìu,... nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc được tôn tạo, sửa chữa. Đây là một điểm nhấn đặc biệt mang nét bản sắc nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS&MN.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đến nay 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; 100% thôn bản có nhân viên y tế; 40/40 xã vùng dân tộc và miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các mạng lưới hạ tầng về giao thông, điện lưới, thông tin, bưu chính,… được quan tâm hoàn thiện cũng là một điểm mạnh để địa phương thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có, việc thu hút đầu tư vào vùng DTTS&MN tại Vĩnh Phúc vẫn còn hạn chế. Trong đó, việc thu hút phát triển công nghiệp còn thấp, du lịch và dịch vụ còn ở mức khiêm tốn. Cơ cấu kinh tế 3 nhóm ngành chuyển dịch chậm, trong đó nông, lâm, thuỷ sản chiếm 41,6% (của tỉnh là 8,93%); công nghiệp, xây dựng là 33,3% (của tỉnh là 61,59%); du lịch, dịch vụ là 25,1% (của tỉnh là 30,26%).

Tại các vùng DTTS&MN, giao thông tuy đã được cứng hóa đạt 99,6%, tuy nhiên mức độ và chất lượng còn thấp hơn đồng bằng. Mặc dù 100% xã của vùng DTTS&MN có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố hóa, tuy nhiên tỷ lệ nhà văn hóa xã và nhà văn hóa các thôn đạt chuẩn còn thấp (khoảng 60%); chất lượng và năng lực khám chữa bệnh còn hạn chế; tỷ lệ người dân được khám sàng lọc và điều trị còn sơ sài; đồng bào DTTS chưa được thủ hưởng các dịch vụ y tế hiện đại; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mặt bằng chung của tỉnh (năm 2020 là 2,79%), trong khi tỷ lệ này của tỉnh là 0,98%./.

K. Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra