Các yếu tố ảnh hưởng
Những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát triển phát triển KT - XH vùng DTTS&MN của Đảng, Nhà nước ta suốt thời gian qua đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để đồng bào các dân tộc vượt qua nhiều khó khăn mang tính đặc thù. Trong đó, phải kể đến Kết luận số 65- KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ ban hành. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy, HĐND cũng đã ban hành nhiều nghị quyết đúng đắn nhằm lãnh đạo, thực hiện phát triển KT - XH, trong đó có vùng đồng bào DTTS&MN. Điều này cũng dễ dàng lý giải vì sao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN ở Vĩnh Phúc tương đối cao, bình quân đạt 6,2%/năm (so với mặt bằng chung của tỉnh dao động từ 6,5-6,8%/năm). Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đến năm 2025 tăng từ 8,5 đến 9%/năm, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 đến 135 triệu đồng/ người/năm.
Quang cảnh tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2018-2019. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc
Mặc dù có bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất của Vĩnh Phúc.
Ở đây, hạ tầng KT - XH còn thấp, chưa đồng bộ, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các vùng khác của tỉnh, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, tồn tại một số hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị. Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS như: Thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,... được giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn.
Cơ chế, chính sách đầu tư cho vùng DTTS&MN còn phân tán, dàn trải, nguồn lực chưa đảm bảo. Sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch COVID-19 với diễn biến ngày càng phức tạp vào đầu năm 2021 có tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến phát triển KT - XH của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng; một bộ phận đồng bào DTTS bị mất việc làm, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển KT - XH và đời sống của đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, trên thế giới và khu vực, xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, không thể xem thường các biểu hiện mâu thuẫn, xung đột, ly khai có thể tác động không mong muốn đến vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là hoạt động mê tín dị đoan, tà đạo, cũng như hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” ở các nước xã hội chủ nghĩa tại các vùng đồng bào DTTS&MN.
Dự báo
Qua nghiên cứu thực tiễn và tầm nhìn dài hạn, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc dự báo mức gia tăng dân số vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh đến năm 2030 tương đối ổn định, dân số DTTS của tỉnh đến 2030 khoảng gần 60.000 người, dự báo đến 2050 khoảng 70.000 người. Đây là vùng đồng bào không di cư, KT - XH tương đối phát triển đồng đều, tính ổn định cao, khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc miền núi với các vùng khác của tỉnh không có chênh lệch lớn, nên trong tương lai không có biến động nhiều về dân cư.
Tổng lược các chương trình, chính sách, đặc biệt chính sách dân tộc ngày càng mở rộng và bao trùm, toàn diện hơn; cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện nâng cao, hướng đến mục tiêu phát triển đa dạng, bền vững; sự thay đổi mức sống theo thời gian sẽ tác động đến phát triển KT - XH vùng DTTS&MN theo quy luật tự nhiên; tốc độ phát triển và tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì ổn định ở mức tương đối cao.
Trong thời gian tới, Chính phủ và các địa phương sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình, nhằm tăng cường hoàn thiện, nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối hạ tầng và kết nối kinh tế, liên kết thị trường, tiếp cận dịch vụ công và các chương trình tín dụng, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp và hộ DTTS sản xuất… là những yếu tố chính giúp vùng đồng bào DTTS có sự phát triển kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, sự hình thành, mở rộng và phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác tài nguyên, khoảng sản, vấn đề quản lý, xử lý rác thải, khí thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt; vấn đề chất thải trong phát triển chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản; vấn đề ô nhiễm nguồn nước, chặt phá rừng đầu nguồn; vấn đề dân số, tốc độ gia tăng dân số; vấn đề lao động, việc làm; vấn đề quy hoạch vùng, rừng tự nhiên, rừng quốc gia, hệ thống sông suối, ao hồ lớn; các đề án bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu,... sẽ những yếu tố ảnh hưởng lớn đến biến động phát triển KT - XH và môi trường của vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc trong tương lai./.
K. Dung