Hiệu quả từ nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Thứ năm, 26/08/2021 08:15
(ThanhtraVietNam) – Từ những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ hơn 137.855 hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án thoát nghèo đồng thời hỗ trợ cho 7.120 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Cụ thể, kết quả triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Tiểu dự án 2 - Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện được 928 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong đó hỗ trợ 487.622 con gia súc, gia cầm các loại; 343.243 cây ăn quả; 65.380,9 kg giống lương thực(giống ngô, giống lạc, giống mía, giống lúa, khoai tây...); 5.228,6 kg giống kiệu; 82.000 cây dâu tằm; 3.693,8 tấn phân bón; 342.911 kg thức ăn chăn nuôi; 10.862 máy móc nông nghiệp; 708 chuồng trại; 455.936 cây lâm nghiệp các loại; 194.000 giống cây công nghiệp lâu năm; Số hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án thoát nghèo: 137.855 lượt. Giải ngân là 194.491,6/199.614 triệu đồng; đạt 97,4% kế hoạch.

Về nhân rộng mô hình giảm nghèo, cả giai đoạn thực hiện được 194 mô hình (57 mô hình trồng trọt, 84 mô hình chăn nuôi, 02 mô hình lâm nghiệp, 04 mô hình làm đường); hỗ trợ cho 7.120 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia mô hình; kết quả giải ngân 27.590/28.675 triệu đồng; đạt 96,2% kế hoạch. Xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản để tăng thu nhập cho người dân; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng 

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các Dân tộc thiểu số, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình đón nhận và ủng hộ. Các nguồn vốn được đưa vào kế hoạch và thống nhất quản lý, vốn hỗ trợ, đầu tư của TW đã đảm bảo phân bổ cho các xã đúng mục đích, đối tượng. Quy trình đầu tư thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng.

Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống tiếp tục được đầu tư cải thiện và phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đồng bào đã thay đổi cơ bản nhận thức, tập quán, kỹ thuật sản xuất, tác động đến đời sống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ đó tăng thu nhập. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, có nhiều hộ đồng bào đã phát triển kinh tế theo mô hình trang trại và dịch vụ nông nghiệp; các nghề thủ công truyền thống được đồng bào duy trì và mở rộng, phát triển.

 “Chương trình đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra trong giai đoạn 2016-2020.” – Ban Dân tộc tỉnh nhận định.

Tuy nhiên, Cao Bằng là một tỉnh miền núi, với đặc thù địa bàn tương đối rộng, giao thông đi lại khó khăn, xuất phát điểm kinh tế thấp, nhu cầu đầu tư lớn nhưng đáp ứng về ngân sách còn rất nhỏ. Mặc dù đã đầu tư một số hạng mục công trình cơ sỏ hạ tầng, nhưng do CSHT còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến nay đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn gặp khó khăn; một bộ phận đồng bào còn trong mùa giáp hạt, chênh lệch về mức thu nhập giữa các vùng, miền và các dân tộc trong tỉnh còn lớn.

Do đó, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp cho người nghèo nâng cao nhận thức, ý chí nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung phát triển những mô hình hay, những mặt hàng có sức cạnh tranh cao, có thế mạnh, có tiềm năng phát triển tại địa phương. Đồng thời làm thay đổi tư duy của người dân nông thôn, thành lập những nhóm hộ kết hợp giữa hộ nghèo, cận nghèo và những hộ có thu nhập khá cùng thực hiện dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển về các giống cây trồng, vật nuôi mới.

H.T

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra