Khi đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ bằng ứng dụng công nghệ thông và truyền thông

Thứ tư, 25/08/2021 16:34
(ThanhtraVietNam) – Đó là các giải pháp đã và đang từng bước thực hiện hiệu quả tại tỉnh Sóc Trăng, giúp từng bước phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhanh hơn, mạnh hơn, thu hẹp khoảng cách gần hơn với các vùng thành thị.

Sau một thời gian thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025” tại Sóc Trăng, đến nay tỉnh này đã bước đầu xây dựng và thực hiện được bộ dữ liệu về các DTTS tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán; các sản phẩm truyền thống của DTTS, thông tin địa lý vùng DTTS có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

Các giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh cũng được xác định để hỗ trợ phổ biến đường lối, chính sách pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào DTTS; hỗ trợ chuẩn đoán khám chữa bệnh từ xa đối với đồng bào DTTS.

Việc xây dựng các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng DTTS; diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin cho đồng bào DTTS tại Sóc Trăng cũng được lên lộ trình, phương án thực hiện.

Trong đó, từng bước xây dựng và tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ, lãnh đạo, người có uy tín vùng DTTS. Xây dựng và triển khai nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào DTTS. Các mô hình tổ chức đào tạo từ xa cũng sẽ được tổ chức trực tuyến tập trung vào lĩnh vực tiếng dân tộc, trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số...

leftcenterrightdel
 Nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thu hoạch lúa. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN 

Đi liền vời giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thì giải pháp về thông tin truyền thông tới cơ sở vùng đồng bào DTTS cũng rất được chú trọng. Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long này đã tổ chức triển khai tuyên truyền các chính sách dân tộc, tôn giáo gắn với những sự kiện lớn như: Thông tin tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và một số chính sách dân tộc mới; tuyên truyền ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống Covid - 19; thông tin tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện chuyên đề “Dân tộc và Phát triển” với sự phối hợp của Ban Dân tộc và Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng xây dựng 11 chuyên mục truyền thông thực hiện chuyên đề “Dân tộc và Phát triển”, phát sóng định kỳ 1 chuyên đề/tháng...

Không những thế, Sóc Trăng còn đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”. Đến nay, 3 dự án khoa học công nghệ với tổng kinh phí là 25 tỷ đồng. Trong đó gồm: Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và phát triển nghề nuôi chim yến tại tỉnh Sóc Trăng”; Dự án “Mô hình sản xuất gạch block bê tông bọt không chưng áp thay thế các cơ sở sản xuất gạch đất nung tại tỉnh Sóc Trăng”...

Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai 17 đề tài, dự án có liên quan đến việc phát triển du lịch sông nước miệt vườn; phát triển mô hình xã nông thôn mới thông minh; xây dựng một số mô hình trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc sức khỏe... phù hợp với điều kiện của địa phương để góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng DTTS trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng.

Từ các hoạt động của Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025”, cũng như các chương trình, dự án về thông tin truyền thông về cơ sở, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế xã hội nói chung của vùng DTTS tại địa phương Vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra