Kiên Giang: Nhiều chính sách đặc thù với dân tộc Khmer

Thứ sáu, 23/07/2021 13:00
(ThanhtraVietNam) – Các chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách dân tộc trong 6 tháng đầu năm 2021 được các cấp, các ngành tỉnh Kiên Giang quan tâm triển khai thực hiện. Kết quả, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được phát huy; tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc được giữ vững ổn định; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có sự chuyển biến tích cực. Từ đó, đồng bào an tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

280 người có uy tín trong đồng bào các DTTS

UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh tham mưu xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Triển khai Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Kiên Giang có 02 xã khu vực III, 01 xã khu vực II và 46 xã khu vực I. Theo đó, Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương có liên quan rà soát, đề xuất các danh mục công trình cho đối tượng đầu tư và các chính sách theo quy định.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không có nhóm dân tộc còn gặp khó khăn, có khó khăn đặc thù theo tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 quy định tại Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh phê duyệt kết quả bầu chọn 280 người có uy tín trong đồng bào các DTTS, tổ chức thăm hỏi, động viên người có uy tín khi ốm đau, khó khăn trong cuộc sống. Giao Ban Dân tộc tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải viên ở cơ sở cho người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2021; báo cáo 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2021. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở lớp giảng dạy và tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2021.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, ước trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Kiên Giang đã chuyển phát cho vùng DTTS 19 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 79.046 tờ.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kết quả, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu chỉ đạo tổ chức 02 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở 02 huyện; gắn với tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang tiếp tục xây dựng phương án để triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
 Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay thời chưa có dịch Covid-19. (Ảnh: Lao động)

Hỗ trợ 2.339 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer

Trong 6 tháng đầu năm các sở, ban, ngành trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển vùng DTTS đã được các sở, ban, ngành thực hiện mang lại kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cụ thể, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cho vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm; khám chữa bệnh; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo giáo dục đào tạo vùng DTTS và giữ gìn an ninh trật tự.

Với tổng dân số là gần 1,8 triệu người, trong đó DTTS có 280.259 người, chiếm 15,48%, (dân tộc Khmer: 242.602 người, chiếm 13,4%; dân tộc Hoa: 36.571 người, chiếm 2,02%; các dân DTTS khác 1.086 người, chiếm 0,06%). Vì vậy, 6 tháng đầu năm, Kiên Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vận động, hỗ trợ quà Tết cho 8.790 hộ nghèo trong tỉnh vui xuân, đón tết.

Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tỉnh xuất ngân sách 701.700.000 đồng hỗ trợ cho 2.339 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer; gửi Thư chúc Tết bằng hai thứ tiếng Việt - Khmer; tổ chức 07 Đoàn đi thăm, chúc tết, tặng quà: Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, 20 chùa, 09 vị chức sắc, 40 gia đình chính sách, 03 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10 cán bộ hưu trí tiêu biểu là đồng bào dân tộc Khmer, với kinh phí 58.881.700 đồng.

Thừa ủy quyền của Ủy ban Dân tộc, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà, chúc mừng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh; Trường Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh; chùa Bần Bé (huyện Gò Quao) và 30 cá nhân, hộ gia đình người Khmer với kinh phí 25.500.000 đồng.

Ngoài ra, các huyện, thành phố đã thành lập các Đoàn lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận đi thăm, tặng quà ở hầu hết các chùa, các vị sư sãi và đồng bào Khmer trên địa bàn.

Mặt khác, tỉnh đã trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri phản ánh sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2020, về việc xem xét bố trí kinh phí nâng cấp sửa chữa lò hỏa táng chùa Thới An (huyện Gò Quao); ban hành văn bản rà soát nhu cầu tổ chức dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em Phật tử Khmer dịp hè tại các chùa Khmer trong tỉnh./.

Nguyên Khôi

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra