Lễ hội Mợi, Lễ hội Cầu mưa, Tung Còn: Nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La

Thứ ba, 22/06/2021 11:01
(ThanhtraVietNam) - Lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Sơn La là dịp để người dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cái trưởng thành và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một tốt hơn. Lễ hội gồm có phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen nhau.

Mời tổ Mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm nương, làm ruộng

Tại tỉnh Sơn La, lễ hội Mợi là dịp để người dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cái trưởng thành và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một tốt hơn. Các con nuôi cảm ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho mọi nhà bằng những cây thuốc nam gia truyền.

Bà con DTTS nơi đây cho biết, lễ hội Mợi gồm phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen nhau. Phần lễ do thầy Mợi và các con hầu đảm nhiệm. Phần hội có sự hướng dẫn của thầy Mợi và sự tham gia của các con nuôi, bà con dân bản. Lễ hội Mợi diễn ra trong thời gian một ngày.

Từ sáng sớm, thầy Mợi và các con hầu đã chuẩn bị các mâm lễ cúng. Vào lễ, thầy Mợi dùng lời hát đang, hát ví truyền thống của người Mường mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian, sau đó mời tổ tiên bên nội, tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi cùng với tổ Mợi về hưởng lễ, hương hoa, phù hộ cho con cháu, bản mường khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

 

leftcenterrightdel
Lễ hội Mợi mời tổ mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm nương, làm ruộng. Ảnh minh họa 

Sau khi cúng mời tổ Mợi và cầu phúc cho các con nuôi xong, thầy Mợi và các con hầu chuyển sang múa Mợi. Các điệu múa được thể hiện trong lễ hội Mợi bao gồm: Múa xòe, múa khăn, múa trầu, múa kiếm, múa trồng bông dệt vải… Các điệu múa này vừa thể hiện tập quán truyền thống, vừa thể hiện các lễ nghi nông nghiệp.

Điệu múa Mợi của người Mường vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, say sưa. Càng về trưa thì số lượng người múa càng đông, tiếng nhạc càng rộn ràng. Sau thời gian nghỉ ăn trưa, buổi chiều các điệu múa lại được tiếp tục. Bên cạnh điệu múa là các trò chơi được diễn ra: Bói hoa, ném còn, kéo co, đánh chó, đánh chuyền, đánh quay, nhảy lò cò, chơi bi, đánh quay, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh yến… Các trò chơi dân gian diễn ra hào hứng, vui vẻ, thu hút được mọi lứa tuổi cùng tham dự.

Sau một ngày, lễ hội kết thúc bằng điệu múa trầu tiễn tổ tiên thầy Mợi về trời. Điệu múa phải thể hiện thật dẻo, thật khéo để mong đến ngày này sang năm còn mời tổ Mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm nương, làm ruộng. Sau đó, thầy Mợi tổ chức một bữa cơm đoàn kết mời các con hầu, các con nuôi và bà con dân bản. 

Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng cầu mùa màng bội thu

Đối với người Thái ở Mường Sang, Lễ hội Cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm. Từ đêm trước diễn ra lễ hội, mọi người đã chuẩn bị chu đáo đồ cúng lễ là những thức ăn, thực phẩm thường ngày như: cơm lam, cá xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà, măng đắng... Đặc biệt, Lễ hội không thể thiếu là Cây vạn vật được trang trí bằng các loại chim, con ve đan bằng nan tre và những cái lồng nhỏ đựng trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai…

 

leftcenterrightdel
Lễ hội Cầu mưa của người Thái trắng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh minh họa

Từ phần nghi lễ, sáng sớm, những người phụ nữ Thái trong trang phục dân tộc đi lấy nước tại mó nước đầu nguồn của bản mang về làm lễ. Sau khi thực hiện hết các nghi thức xin nước, thầy cúng, bà góa và ông Then sẽ đi dọc theo bản, đến từng nhà để gọi tất cả phụ nữ trong nhà ra mó nước của bản để lấy nước và tham gia Lễ hội Cầu mưa. Mọi người trong bản đều háo hức, chờ đợi ngày này trong năm để tham gia lễ hội.

Đến phần nghi thức Lễ hội Cầu mưa được thầy cúng đảm nhiệm và mọi người dân trong bản tập trung cầu nguyện. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa, cầu xin ông Then ban mưa xuống để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngay sau khi kết thúc phần lễ, khi ông Then đã đồng ý cho mưa, tất cả bà con người Thái cùng du khách bắt đầu phần hội. Mọi người hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng trong vòng xòe đoàn kết.

Trò chơi dân gian đồng hành cùng hoạt động lễ hội

Với nam, nữ thanh niên dân tộc Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Sơn La nói riêng, đặc biệt ưa thích trò chơi dân gian Tung Còn và tham gia rất đông đảo nhất là trong các dịp lễ,  Tết.

Theo bà con dân tộc Thái, có ba cách chơi Còn truyền thống được lưu truyền cho tới ngày nay là Còn vòng, Còn xai và Còn xổm.

Người Thái quan niệm Rồng là con vật đẹp nhất (chăn cơ tô luông). Quả Còn chính là sự mô phỏng của Rồng Còn (luông còn) trong truyền thuyết. Rồng Còn có đuôi dài, thân và đuôi có tua với nhiều màu sắc rực rỡ. Rồng Còn thường bay theo quỹ đạo vòng cung, như dáng cầu vồng, năm nào rồng Còn xuất hiện nhiều thì mưa thuận gió hòa, người khỏe mạnh yên vui, vụ mùa xanh tốt bội thu...

leftcenterrightdel
Cách chơi Còn truyền thống của người Thái. Ảnh minh họa

Người Thái cho biết, quả Còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, đen, trắng, khâu thành hình vuông, trong nhồi hạt bông, thóc giống, muối ăn và một ít trấu. Quả Còn được đính năm tua màu, bốn tua ở bốn góc và dây đáy tượng trưng cho thân Rồng đính chín tua so le nhau. Quả Còn lóng lánh màu sắc như Rồng Còn trong truyền thuyết và ước mơ khát vọng của người Thái, ấp ủ những hạt giống chờ gieo xuống bản làng, sinh sôi kết trái. Dây Còn như thân rồng với chín tia nắng, tám tia mưa, mang lại một tín hiệu tốt lành cho một năm mới. Khi tung lên cao, các tua Còn phấp phới như râu Rồng, biểu tượng của cỏ cây hoa lá khoe sắc đua hương.

Người chơi tung quả Còn bay lên mang đi cái úa vàng, vận hạn rủi ro. Khi chơi Còn người Thái thường hát “Khắm sai bản lống tọt xia lương, khắm sai cón lống tọt xia sảy”, có nghĩa là: Chúng ta cùng nhau cầm dây Còn ném đi cái úa vàng, nắm dây Còn quăng đi cái đau ốm...

Người đón Còn, đón lấy cái may mắn, tốt đẹp về “Hạp au ăn đi, ăn ngám má chảu; hặp au ăn thảu, ăn ké má tô”, có nghĩa là: Bắt lấy cái tốt đẹp về mình, đón lấy cái phúc, tuổi thọ về ta. Cũng chính vì vậy, người chơi Còn đều cố bắt không để cho Còn rơi xuống đất. Người tung, người bắt rồi tung trở lại, quả Còn phơi phới trên trời cao như Rồng Còn bay lượn trong vũ điệu ấm no hạnh phúc./.

Trang Dương

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra