Lồng ghép PBGDPL vào lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS

Thứ tư, 01/09/2021 09:29
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong những cách làm sáng tạo của một số địa phương trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho bà con nơi đây, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Xây dựng, duy trì mô hình PBGDPL tại cấp xã

Ngày 08/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Theo đó, UBDT đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định 1163/QĐ-TTg khá toàn diện, đồng bộ, đầy đủ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, đã tổ chức 25 hội nghị, lớp tập huấn cho 2.580 lượt cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, người có uy tín và đồng bào DTTS để tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp, các bộ luật cơ bản và hệ thống chính sách dân tộc đang thực hiện tại địa phương. Qua đó, kịp thời cung cấp thông tin pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân, nhất là triển khai các chuyên đề của sổ tay kỹ năng PBGDPL đặc thù vùng DTTS và miền núi cho báo cáo viên trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, tổ chức 6 hội thảo với 620 lượt người tham gia, kịp thời chia sẻ bài học kinh nghiệm về những mô hình PBGDPL hiệu quả, cách làm hay phù hợp với văn hóa truyền thống, tập quán, điều kiện sinh hoạt thực tế của đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS ở từng vùng, miền, địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả PBGDPL.

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, UBDT đã phối hợp với Đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng, phát sóng 40 chương trình truyền hình, 32 chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định của pháp luật, chính sách dân tộc cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

leftcenterrightdel
Một buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh DTTS tại địa bàn Quảng Ninh (Ảnh:vietnamnet.vn)

Đáng chú ý, UBDT đã xây dựng và duy trì 11 mô hình PBGDPL, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại cấp xã. Mỗi mô hình có 50 - 70 thành viên là đồng bào các dân tộc cư trú trên địa bàn xã; cán bộ, công chức, viên chức, đại diện đoàn thể cơ sở và người làm công tác PBGDPL, hòa giải viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý tham gia... Đây là lực lượng nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, việc chấp hành pháp luật trên địa bàn xã, nhất là những vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống mua, bán người; phòng, chống ma túy.

Từ đó, kịp thời tổ chức các hoạt động PBGDPL; ký cam kết toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, không vi phạm pháp luật trên địa bàn xã; đối thoại chính sách pháp luật với người dân; phổ biến pháp luật trên loa truyền thanh cơ sở. Mặt khác, biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến trong chấp hành và thực hiện pháp luật tại địa bàn; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cấp xã trong việc tuyên truyền PBGDPL.

Ngoài ra, UBDT đã biên soạn, phát hành sách/sổ tay kỹ năng PBGDPL, sách hỏi đáp pháp luật, sách song ngữ tiếng Việt - tiếng DTTS để hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp. Cung cấp hơn 13.900 đầu sách pháp luật cho cán bộ ở cơ sở và đồng bào DTTS tham dự các hội nghị, lớp tập huấn, địa phương có mô hình để PBGDPL, tra cứu, áp dụng khi cần thiết…

Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo

Kết quả tổng hợp báo cáo của 37/51 địa phương có vùng DTTS và miền núi cho thấy, trong giai đoạn 2017-2021, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định 1163/QĐ-TTg khá toàn diện, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo để kịp thời PBGDPL, chính sách dân tộc đến với đồng bào DTTS, đóng góp tích cực vào sự phát triến kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật cũng như các tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các địa phương đã tổ chức 348.016 hội nghị, lớp tập huấn PBGDPL cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; tổ chức 17 cuộc hội thảo cho khoảng 1.530 lượt người tham dự để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm PBGDPL; tổ chức 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự; xây dựng, phát sóng 36.487 chương trình truyền hình, 95.679 chương trình phát thanh để nâng cao hiệu quả PBGDPL.

Tương tự như ở cấp Trung ương, giai đoạn 2017-2021, các địa phương đã xây dựng, nhân rộng 188 mô hình điểm ở các xã, thôn, bản về đẩy mạnh PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

Việc biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu, pa nô, băng rôn để PBGDPL, tuyền truyền chính sách dân tộc tiếp tục được tăng cường. Kết quả, có tổng số 2.459.866 cuốn sách, sổ tay pháp luật; 1.780.791 tờ rơi, tờ gấp; 47.015 pa nô, băng rôn đã được phát hành.

Đặc biệt, việc PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS đã mang lại hiệu quả tích cực. Khoảng 148.055 tin, bài đã được đăng tải trong giai đoạn 2017-2021 góp phần cải thiện điều kiện tiếp cận, kết nối, chia sẻ thông tin pháp luật, chính sách dân tộc của đồng bào DTTS một cách chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.

Một số địa phương có cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung PBGDPL và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn tổ chức các hội nghị điển hình tiên tiến, tôn vinh, nêu gương các điển hình tiêu biểu trong công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động; tuyên truyền, PBGDPL thông qua băng, đĩa, và các hình thức khác phù hợp với đồng bào DTTS ở từng địa phương./.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra