Theo các chuyên gia và lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc. Làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo.
Thông qua đó, tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Đồng thời, tạo cơ sở để đấu tranh chống những tà đạo, những hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc dân tộc và nhân dân.
Hai là, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở. Chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đổi mới nội dung, phương thức công tác vận động đồng bào tín đồ các tôn giáo phù hợp với đặc điểm của đồng bào có nhu cầu luôn gắn bó với sinh hoạt tôn giáo và tổ chức tôn giáo.
Tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách đối với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo. Đặc biệt quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn nơi có đông đồng bào tôn giáo.
Hoạt động tôn giáo được Nhà nước công nhận phải hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về tôn giáo. Ảnh: T.A
Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo. Trong đó, tăng cường đầu tư và thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân các vùng khó khăn, đặc biệt quan tâm các vùng đông tín đồ tôn giáo và vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn.
Tăng cường cảnh giác cách mạng, xây dựng phương án cụ thể, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rồi, xâm phạm an ninh quốc gia.
Về việc tôn giáo tham gia chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của Nhà nước, cần giải quyết theo nguyên tắc: Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia thực hiện xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục của Nhà nước phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia việc xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục với tư cách công dân thì được khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện theo quy định pháp luật.
Thống nhất chủ trương xử lý vấn đề nhà, đất sử dụng vào mục đích tôn giáo hoặc có liên quan đến tôn giáo: Đối với đất đai, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với việc khiếu kiện liên quan đến nhà và cơ sở tôn giáo đã chuyển giao cho chính quyền hoặc đoàn thể sử dụng, về nguyên tắc, xử lý theo quy định pháp luật hiện hành; riêng đối với những trường hợp nhà, đất do tôn giáo đã hiến tặng có văn bản xác nhận thì không đặt vấn đề trả lại. Đối với hội đoàn tôn giáo thực hiện theo nguyên tắc mọi tổ chức tôn giáo phải được Nhà nước công nhận và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Bốn là, tăng cường công tác tổ chức cán bộ làm công tác tôn giáo. Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác tôn giáo; quan tâm thỏa đáng việc đào tạo, bồi dưỡng với đối tượng này.
Với quan điểm công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các nhiệm vụ trên đây là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống chính trị, của mọi cấp, mọi ngành, trong mọi lĩnh vực, của mọi cán bộ, đảng viên. Trong đó có tổ chức và cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo có nhiệm vụ trực tiếp, cán bộ, báo chí, xuất bản có vai trò rất quan trọng./.
Tràng An