Một số khó khăn trong thực hiện các chính sách dân tộc tại Thanh Hóa
Thứ ba, 20/07/2021 14:23 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực vùng dân tộc và miền núi tại Thanh Hóa thời gian qua tiếp tục được duy trì ổn định, tuy vậy do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và ảnh hướng đến việc thực hiện một số chính sách dân tộc.
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, anh ninh khu vực vùng dân tộc và miền núi tiếp tục được ổn định; đời sống nhân dân vùng dân tộc và miền núi từng bước được cải thiện. Quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tiếp tục được Trung ương và tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, có hiệu lực, hiệu quả.
Các nhiệm vụ do Uỷ ban Dân tộc và tỉnh đã được đơn vị hoàn thành đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng. Công tác chỉ đạo thực hiện một số chính sách dân tộc được tăng cường, về cơ bản các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu của chính sách. Các huyện miền núi, huyện miền xuôi có xã miền núi đã có nhiều quan tâm, tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn.
Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng đời sống đồng bào DTTS cơ bản vẫn được đảm bảo. Ảnh minh họa/Internet
Tuy vậy, theo Ban Dân tộc, do tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi và ảnh hướng đến việc thực hiện một số chính sách dân tộc. Đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở khu vực miền núi, như: Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn một số huyện miền núi (Thường Xuân, Như Thanh...); lao động không có việc làm; tiêu thụ nông sản khó khăn; hạn chế du khách đến các điểm du lịch; nguồn thu nhập rất khó khăn...
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số nhiệm vụ thực hiện chính sách dân tộc trong 6 tháng đầu năm phải tạm dừng, như: việc tổ chức mở 5 lớp/1.000 học viên là đối tượng 3 và đối tượng 4 thuộc Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025” thuộc kế hoạch năm 2021; tổ chức 03 Hội nghị phổ biến kiến thức cho Người có uy tín năm 2021 tại 03 huyện: Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc; tổ chức 01 Hội nghị tổng kết Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”, theo Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc cũng cho biết, hiện nay Chương trình 135, Chương trình 30a thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vừng giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi đã kết thúc và được tích hợp trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện do Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành quyết định phê duyệt đầu tư Chương trình, chưa giao kế hoạch vốn, do đó Chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi chưa được triển khai thực hiện./.
Trường An