Bình Thuận:

Tăng cường nhiều chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

Thứ hai, 14/03/2022 12:18
(ThanhtraVietNam)- Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với 101.733 người/124.187 hộ gia đình, chiếm 7,95% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc của tỉnh.

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ đi lại, sản xuất và đời sống văn hóa tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn đầu tư thêm một số kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các thôn, xã thuộc diện định canh, định cư góp phần giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Tính đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: binhthuan.gov.vn)

Các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tiếp tục được quan tâm thực hiện, nhất là chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư, hỗ trợ vay vốn mua bò và các chính sách có liên quan hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất đã phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, do đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có 4/17 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tâm dịch vụ miền núi thuộc Ban Dân tộc đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép để tổ chức cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của đồng bào với số lượng 1.200 tấn, tổng giá trị trên 16 tỷ đồng/năm. Thông qua tổ chức đầu tư ứng trước đã giúp cho đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa đảm bảo chất lượng để sản xuất; đồng thời, thực hiện việc bao tiêu sản phẩm cho đồng bào sản xuất ra với giá cả phù hợp, hạn chế tình trạng đồng bào đi vay lãi nặng, bị tư thương ép giá, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khánh Nghi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra